Yên Bái: Chỉ số PCI tăng 12 bậc
Năm nay, Quảng Ninh vẫn tiếp tục giữ vị trí số 1, dẫn đầu bảng xếp hạng PCI với 71,25 điểm, giữ vị trí Á quân là Long An; các vị trí tiếp theo là Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Tháp... Thanh Hóa xếp thứ 30 trong bảng xếp hạng với 66,79 điểm (tăng 17 bậc so với năm 2022).
Cùng với các tỉnh Hải Dương, Bình Thuận, Ninh Bình, Tây Ninh, Đắk Nông, Cà Mau, Tiền Giang, Thanh Hóa là một trong các gương mặt mới của Top 30 so với lần xếp hạng trước.
Tính theo tỷ lệ các tỉnh trong từng vùng thuộc Top 30 của PCI 2023, vùng Đồng bằng Sông Hồng đứng đầu (63,6%), tiếp theo là các vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (61,5%), Đông Nam Bộ (50%), Duyên hải miền Trung (42,9%) và Tây Nguyên (20%).
Theo bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2023 của các địa phương trên cả nước; với 65,99 điểm (tăng 2,9 điểm so với năm 2022), tỉnh Yên Bái xếp thứ 39/63 tỉnh, thành trên cả nước, tăng 12 bậc so với năm 2022 (năm 2022 là thứ 51).
Bước tiến ngoạn mục của Yên Bái trong cải thiện thứ hạng Chỉ số PCI năm 2023 thể hiện sự nỗ lực của tỉnh trong cải thiện chất lượng điều hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh qua các giải pháp cụ thể, hiệu quả tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh; thu hút, mời gọi đầu tư; giảm gánh nặng chi phí không chính thức cùng quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp luôn đồng hành cùng sự phát triển của địa phương.
Lãnh đạo Sở, ban, ngành Yên Bái tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp tại chương trình "Cà phê với doanh nhân" năm 2023 |
Để tiếp tục cải thiện chỉ số này, năm 2024, tỉnh Yên Bái sẽ tập trung 3 đột phá gắn với cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cho hạ tầng.
Chương trình Hành động lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024 của Tỉnh ủy Yên Bái - Chương trình 188-Ctr/TU đề ra mục tiêu, tập trung thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược. Cụ thể, thực hiện hiệu quả các đề án, chính sách nhằm huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường, kinh doanh, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, thiết thực nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp; Quyết liệt cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng...
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao trách nhiệm trong xử lý công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Công điện số 968/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ số hài lòng của doanh nghiệp, người dân về sự phục vụ của các cơ quan hành chính SIPAS nằm trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước; cải thiện mạnh mẽ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu nằm trong top 30 tỉnh, thành phố; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thuộc vào nhóm trung bình cao của cả nước.
PCI là bộ chỉ số được khởi xướng từ năm 2022 bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) … nhằm đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh.
Theo PCI, một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) Chi phí không chính thức thấp; 5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; 8) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp; 9) Chất lượng đào tạo lao động tốt; 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì |