Xây dựng “văn hóa liêm chính” để chống tham nhũng
Tham nhũng xảy ra ngay trong cơ quan chống tham nhũng khiến cử tri lo ngại Bộ trưởng Tô Lâm: Tội phạm tham nhũng, kinh tế rất phức tạp |
Còn nhức nhối tội phạm tham nhũng
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được nhiều kết quả to lớn, góp phần làm trong sạch nội bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Nhờ đó, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, xử lý nghiêm minh, bảo đảm không có vùng cấm, qua đó đã tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ.
Mặc dù vậy, so với kỳ vọng, ông Sơn cho rằng, tội phạm tham nhũng vẫn đang rất nhức nhối, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; và một trong những nguyên nhân là do công tác cán bộ.
Theo ông Sơn, dù đã có nhiều khâu, nhiều bước, nhiều quy trình đánh giá, kiểm tra cán bộ, nhưng chúng ta cũng nhận thấy có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện làm việc cầm chừng, né tránh, sợ sai không dám làm, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và lãnh đạo góp phần làm trong sạch nội bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. |
Đồng thời, vẫn còn một số nơi, người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm và làm chưa đi đôi với nói trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Không những thế, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng còn có mặt bất cập.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, đó là những vấn đề cần phải giải quyết sớm để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có thêm hiệu quả trong thời gian tới.
Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, tình trạng không ít cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai nên không quyết liệt trong xử lý công việc gần đây là rất đáng lo ngại, làm chậm trễ, trì trệ hoạt động công vụ và làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, kìm hãm nguồn lực phát triển.
Nêu nguyên nhân, ông Sơn cho rằng, thứ nhất là cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng; nhóm thứ hai là cán bộ sợ vi phạm pháp luật, nên không dám làm do một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành còn thiếu tính thống nhất, chưa đồng bộ, khó thực hiện.
"Cả hai nguyên nhân này đều cần có những giải pháp phù hợp để cởi bỏ tâm lý sợ sai cho cán bộ, để đội ngũ cán bộ thực hiện tốt hơn, có trách nhiệm đối với công việc, trước Đảng, Nhân dân về chức trách, nhiệm vụ của mình", ông Sơn chia sẻ.
Chống tham nhũng bằng “văn hóa liêm chính”
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, để có thể xóa bỏ triệt để, tận gốc hành vi tham nhũng, bên cạnh các giải pháp về huy động sức mạnh tổng hợp tham gia phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện thể chế ... thì việc xây dựng văn hóa liêm chính, chú trọng giáo dục đạo đức, lương tâm và danh dự là những giải pháp căn cơ và lâu dài.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. |
Ông Sơn cho rằng, việc xây dựng một văn hóa liêm chính có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
"Việc xây dựng phẩm chất liêm, chính cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là nền tảng để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, là gốc rễ của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực", ông Sơn chia sẻ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, văn kiện tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã nhấn mạnh cần nâng tầm liêm, chính lên thành “văn hóa liêm, chính” trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Theo đó, cần xem việc xây dựng văn hóa liêm, chính là một bộ phận quan trọng của văn hóa chính trị và là bộ phận không thể thiếu của văn hóa xã hội trong thời kỳ mới.
Đồng thời, văn hóa liêm, chính cần được triển khai trên mọi phương diện, ở nhiều cấp độ, trong mọi tầng lớp nhân dân, nhằm xây dựng nên "tuyến phòng thủ" đạo đức chống lại tham nhũng, lãng phí và tiêu cực; thiết lập quy tắc ứng xử tôn vinh đạo đức trong sáng, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái chính trị và xã hội văn minh, tiến bộ.
Theo ông Sơn, để làm được điều đó, trước hết, chúng ta phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ khi bản thân và người thân mắc vào tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm; cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu.