Tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống bạo lực gia đình
Huyện Yên Lạc: Phát động "Tháng hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình" năm 2024 Nam giới cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình 7 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2023 |
Tham dự chương trình có đồng chí Đào Tiến Dũng – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, PGS.TS Trần Thị Minh Thi - Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới... cùng lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.
Hội nghị tuyên truyền về công tác phòng, chống bạo lực gia đình là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Kế hoạch số 179/KH-UBND ngày 28/6/2022 của UBND Thành phố về thực hiện “Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025” trên địa bàn thành phố Hà Nội; Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”.
Nội dung tuyên tuyền tập trung vào 4 nội dung chính, bao gồm: Ý nghĩa của gia đình và phòng chống bạo lực gia đình; Đặc điểm và thách thức của gia đình hiện nay; Bạo lực gia đình và một số văn bản pháp luật mới; Kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc.
Tại Hội nghị, PGS.TS Trần Thị Minh Thi nhận định, hiện nay, các giá trị cơ bản về gia đình tại Việt Nam phần lớn vẫn được bảo toàn, không chỉ thế mà các gia đình hiện đại ngày nay đang không ngừng tiếp nhận những giá trị gia đình mới của các nước phương Tây.
Trong đó, mô hình gia đình “dual-income” (kinh tế đôi), cả hai vợ chồng cùng đóng góp kinh tế duy trì và nuôi dưỡng gia đình hiện đang khá phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề bình đẳng giới vẫn đang bị xem nhẹ cả về tư tưởng cá nhân và định kiến xã hội. Từ đó dẫn đến tình trạng mâu thuẫn nội bộ kéo dài trong gia đình trong thời gian dài.
PGS.TS Trần Thị Minh Thi - Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới |
Nguyên nhân có thể xuất phát từ những bất đồng quan điểm về lối sống, tài chính, tư tưởng và định kiến cá nhân... Giữa các thành viên có thể nảy sinh tình trạng bạo lực gia đình ở nhiều hình thái và tính chất khác nhau. Có nhiều hình thức bạo lực trong gia đình như: Bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, quấy rối tình dục; tảo hôn, ép hôn; mua bán người; bạo lực thân thể; bạo lực kinh tế; bạo lực tinh thần; bạo lực tình dục...
Không chỉ là đánh đập, chửi mắng... , bạo lực gia đình là sự ngược đãi, tra tấn có chủ đích khiến các thành viên khác trong gia đình chịu tổn thương về mặt tâm lý và sức khỏe. Bạo lực gia đình còn thể hiện dưới hình thái cưỡng ép, kiểm soát những thành viên khác trong gia đình. Nó khiến hạnh phúc tan vỡ, gây ra tổn thương sâu sắc về tâm lý, tình cảm cho những cá nhân trẻ trong gia đình. Những bạn trẻ này dễ xảy ra xu hướng bạo lực, chống đối xã hội sau thời gian bị ảnh hưởng tâm lý quá lâu.
PGS.TS Trần Thị Minh Thi chia sẻ: “Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, nạn nhân của nạn bạo lực gia đình vẫn lựa chọn “im lặng” như một biện pháp gìn giữ gia đình. Đặc biệt, các nạn nhân là phụ nữ vẫn chiếm số đông, nạn nhân là nam giới có nhưng thường giấu mình do tự ti, định kiến xã hội áp đặt. Hầu hết (90,4%) phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ rất ít (4,8%) tìm kiếm sự giúp đỡ, từ công an. Tỷ lệ này hầu như không thay đổi so với tỷ lệ 87,1% phụ nữ không tìm kiếm sự giúp đỡ theo Điều tra năm 2010.
Kết quả điều tra quốc gia năm 2019 trên 5,976 phụ nữ Việt Nam từ 15-64 tuổi cho thấy, ngoại trừ tình trạng bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực ở tất cả các hình thức năm 2019 đều thấp hơn so với năm 2010, nhưng tình hình còn khá phức tạp. Cứ ba phụ nữ thì gần hai phụ nữ (62.9%) từng có chồng, bạn tình bị bạo lực thể xác, tình dục, tâm lý (tinh thần và kiểm soát hành vi) và/hoặc bị bạo lực kinh tế do chồng/bạn tình gây ra ở trong đời”.
Theo báo cáo của PGS.TS Trần Thị Minh Thi, tỷ lệ ly hôn tại Việt Nam trong những năm gần đây đang có xu hướng tăng trưởng nhanh chóng, tuy nhiên so với nhiều nước phát triển trên thế giới, tỷ lệ 24,35% vẫn được xem là khá thấp. Phụ nữ ngày nay trở nên quyết đoán hơn trong cuộc sống hôn nhân, tỷ lệ chủ động đứng đơn ly hôn tại Việt Nam đang chiếm tới 72% trên tổng số vụ ly hôn. Tuy nam giới Việt Nam chấp nhận giảm dần tiếng nói và vị thế của mình trong gia đình. Nhưng mức chấp nhận bình đẳng và tiếp nhận giá trị gia đình hiện đại của nam giới ngày nay đang thấp hơn nhiều so với nữ giới. Nguyên nhân xuất phát từ những tư tưởng bảo thủ, gia trưởng với những giá trị cũ, đồng thời là định kiến giới nặng nề mà xã hội Việt Nam đang “chụp mũ” cho các đấng mày râu trong gia đình.
Bà Trần Thị Minh Thi đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc giao tiếp, kết nối đúng cách giữa các thành viên trong gia đình |
Việc giữ gìn hạnh phúc gia đình cần sự thấu hiểu và sẻ chia từ các thành viên trong một tổ ấm. Đối với các cặp vợ chồng, việc duy trì tình yêu, sự gắn kết cần được củng cố ở nhiều phương diện như cảm xúc, tâm lý, kinh tế và tình dục,... Không phân biệt đàn ông, phụ nữ, trong gia đình, các cặp vợ chồng cần có sự chủ động về giao tiếp, đối thoại với bạn đời để tìm tiếng nói chung. Giao tiếp hợp lý là yếu tố được PGS.TS Trần Thị Minh Thi đánh giá rất cao.Bà cho biết: “Đôi khi chỉ cần một vài lời khen tinh tế, vài lời hỏi thăm cùng cử chỉ hành động quan tâm ân cần đến với người bạn đời của mình cũng đủ để tạo nên sự khác biệt về cảm xúc và định hướng suy nghĩ chung cho mối quan hệ gia đình thêm hòa thuận, êm ấm”.
Thông qua hội nghị, Ban Tổ chức mong muốn thúc đẩy hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về Phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời, nhấn mạnh việc tăng cường quan tâm và chỉ đạo từ cấp ủy và chính quyền các cấp, cũng như sự tham gia phối hợp của các ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng. Hoạt động này cũng hướng đến nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc phòng, chống bạo lực gia đình, cũng như phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi bạo lực trong xã hội hiện đại ngày nay.