Siết chặt hoạt động tu bổ di tích lịch sử - văn hóa
Trước hiện tượng tu bổ, tôn tạo, xây dựng công trình phát huy giá trị di tích không theo đúng quy định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ra công văn nhằm chấn chỉnh và đẩy mạnh hoạt động quản lý.
Công văn nêu rõ: Qua theo dõi thực tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thấy bên cạnh việc nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích, vẫn còn hiện tượng tu bổ, tôn tạo, xây dựng công trình phát huy giá trị di tích không theo đúng quy định của pháp luật, không đúng với nội dung thẩm định của cơ quan chuyên môn và của Bộ, làm ảnh hưởng tới giá trị di tích, tạo dư luận không tốt trong xã hội về công tác quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan liên quan và chính quyền địa phương trên địa bàn tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương liên quan và cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; kiểm soát chặt chẽ quy trình kiểm kê, xếp hạng mới di tích, gắn kết chặt chẽ với chương trình, kế hoạch tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích.
![]() |
Di tích Đình Chèm, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội |
Bộ cũng đề nghị các địa phương thực hiện hiệu quả, kịp thời cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền trong việc tham mưu, quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương tới địa phương.
Trong công tác quản lý, khai thác, phát huy giá trị cũng như tu bổ, tôn tạo di tích, Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy định về đầu tư, xây dựng là những căn cứ chắc chắn và chuẩn xác nhất để thực hiện. Chính vì thế, Bộ đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm các văn bản, quy định này khi triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (bất kể dự án được triển khai từ nguồn ngân sách nào), đồng thời hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình, quy định, thủ tục triển khai các dự án tu bổ di tích.
Việc phối hợp tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, bộ, ngành, các nhà khoa học có liên quan và chỉ thực hiện khi có văn bản thẩm định, phê duyệt của cấp có thẩm quyền cũng được Bộ đề cập đến.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần triển khai thực hiện đúng các nội dung thẩm định dự án, báo cáo kinh tế-kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công tu bổ di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan chức năng của thỏa thuận, góp ý, để bảo đảm bảo vệ, giữ gìn được yếu tố gốc tạo nên giá trị di tích.
Các địa phương cũng cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở địa phương.
Bộ cũng đề nghị các địa phương trước khi thực hiện công tác tu bổ, cần tuyên truyền rộng rãi về ý nghĩa, giá trị của các di tích, lý do bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và công khai nội dung dự án tu bổ di tích để nhân dân được biết, tham gia, đóng góp ý kiến nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của xã hội về việc thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, nhất là đối với các di tích có tính chất tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng…
Khi hoàn thành dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, cần có hình thức thích hợp để giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật của di tích; ngày khởi công, ngày hoàn thành; những tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính; đơn vị thi công…