Cần loại bỏ tư duy "cháy chừa mình ra"

Đó là ý kiến của Thượng tá Nguyễn Tiến Nam - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ TP Hà Nội tại Hội nghị Báo cáo viên TP tháng 6/2024 về tuyên truyền công tác PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô trong thời gian qua.
Học sinh Thanh Hoá học cách đu dây, chữa cháy khi gặp sự cố hoả hoạn Huyện Quốc Oai lập hơn 1.000 điểm chữa cháy công cộng Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu nhôm Phương Đông có dấu hiệu “nhờn luật” Giúp người dân nâng cao kỹ năng cần thiết về phòng, chống cháy nổ

Ý thức về phòng cháy, chữa cháy của người dân còn kém

Hội nghị được Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội tổ chức vào ngày 18/6. Tham dự chương trình có đồng chí Đào Tiến Dũng – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội và Thượng tá Nguyễn Tiến Nam - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH TP Hà Nội cùng lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.

Liên tiếp các vụ cháy, nổ xảy ra thời gian qua gây thiệt hại đặc biệt nghiệm trọng về người và tài sản. Không ít người quan niệm rằng, việc phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của riêng lực lượng cảnh sát PCCC. Tuy nhiên, sau mỗi vụ cháy, nổ, thực tế cho thấy trách nhiệm này không của riêng ai mà là của toàn xã hội và quan trọng nhất là ý thức của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và từng người dân.

Cần loại bỏ tư duy
Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH TP Hà Nội Nguyễn Tiến Nam đã đưa ra những con số thống kê báo động về tình hình mất an toàn PCCC trên cả nước

Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC &CNCH TP Hà Nội Nguyễn Tiến Nam chia sẻ: “Lính cứu hỏa chúng tôi chỉ mong không có cháy xảy ra. Mỗi khi bùng phát đám cháy, anh em chúng tôi tim đập chân run, cầu trời không có nạn nhân. Phải làm lính cứu hỏa, chứng kiến những thi thể sau tàn cuộc thì chúng tôi mới thấm thía câu nói của ông cha rằng “thủy hỏa vô tình”. Đám cháy chính là thiên tai. Để chống lại thiên tai thì điều cần nhất đó chính là sự đồng lòng và ý thức trách nhiệm từ mỗi cá nhân cho đến tập thể. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn hiện nay là ý thức phòng cháy chữa cháy của người dân vẫn còn quá kém”.

Theo thống kê của lực lượng PCCC &CNCH TP Hà Nội, với đặc thù đô thị hóa toàn diện, hiện nay trên toàn thành phố có khoảng 70% nhà ở là dạng ống và hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh chỉ có lối thoát nạn duy nhất là cửa ra vào.

Cần loại bỏ tư duy
Các đại biểu tham dự hội nghị

Nhiều hộ gia đình đã xây dựng "chuồng cọp" rào chắn toàn bộ khu vực ban công, sân thượng, không có lối thoát. Những thiết kế này được Thượng tá Nguyễn Tiến Nam nhận định là “kiến trúc hại người”. Thêm vào đó, hạ tầng đô thị với nhiều ngõ nhỏ và mật độ dân cư đông đúc, khiến cho việc tiếp cận của xe chữa cháy trở nên vô cùng khó khăn. Kết quả là, khi có sự cố cháy nổ, công tác chữa cháy gặp nhiều trở ngại, làm tăng nguy cơ thiệt hại về người và tài sản.

Ông Nguyễn Tiến Nam cho biết, mỗi đám cháy xảy ra, ước lượng thời gian để cứu được nạn nhân an toàn chỉ có từ 3-5 phút. Nhưng chính việc huy động lực lượng hỗ trợ trên địa bàn và di chuyển đến điểm cháy hiện tại có thể mất đến 10-15 phút.

Ông Nam nhấn mạnh: “Hiệu quả nhất chính là chữa cháy tại chỗ, huy động nguồn nhân lực tại chỗ, thiết bị chữa cháy tại chỗ”.

Điều này lại đặt ra một thực trạng đáng buồn mà Thượng tá Nguyễn Tiến Nam đã nhắc tới, đó là ý thức trách nhiệm và kỹ năng ứng phó hỏa hoạn của người dân vẫn còn quá kém. “Một ví dụ điển hình là khu vực chung cư HH với mật độ dân cư dày đặc tại Linh Đàm (Hoàng Mai). Chúng tôi rất buồn khi kêu gọi người dân đi học các lớp kỹ năng, tuyên truyền phòng cháy chữa cháy thì cả khu chung cư 3000 người chỉ có 20 người đi học. Mặc dù cán bộ PCCC&CNCH đã tạo điều kiện về thời gian và đã “tới từng ngõ, gõ cửa từng nhà” không dưới 2 lần, nhưng đa số người dân vẫn thờ ơ, cho rằng “đó không phải việc của mình” - ông Nam nói.

Cần loại bỏ tư duy
Thượng tá Nguyễn Tiến Nam bày tỏ sự thất vọng khi người dân không có ý thức tự bảo vệ an toàn, phòng chống cháy nổ cho bản thân và gia đình

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ là "phao cứu mạng" khi sự cố xảy ra

Mỗi người dân nếu không tự trang bị kỹ năng PCCC&CNCH một cách bài bản, cụ thể mà chỉ tìm những phương pháp “truyền tay” qua mạng xã hội sẽ rất khó để ứng dụng thực tế. Việc ứng phó linh hoạt và phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH khi hỏa hoạn xảy ra cần sự hiểu biết kỹ càng về kỹ năng chữa cháy. Điều này không chỉ giúp dập tắt đám cháy nhanh chóng mà còn góp phần đẩy nhanh thời gian cứu hộ các nạn nhân không may bị mắc kẹt.

Đồng thời, trong mỗi hộ gia đình, đã đến lúc cần thiết để tự trang bị hệ thống báo cháy hiện đại để kịp thời thông tin, báo động đến người trong nhà và các hộ lân cận khi đám cháy xảy ra.

Hiện tại trên thị trường có rất nhiều loại chuông báo cháy, thiết bị phát hiện khói kém chất lượng được bán tràn lan. Người dân mua hàng cần lựa chọn cơ sở kinh doanh uy tín có giấy phép hợp lệ để lắp đặt các thiết bị “cứu mạng” này. Đồng thời, bình cứu hỏa và các loại thang dây, thang xếp cũng cần được chuẩn bị đầy đủ phòng trường hợp hi hữu xảy ra.

Thượng tá Nguyễn Tiến Nam bày tỏ: “Mỗi cá nhân cần loại bỏ tư duy “chắc cháy chừa mình ra” bởi rất nhiều trường hợp đám cháy bùng phát bất ngờ khiến các nạn nhân không phản ứng kịp. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ngày hôm nay sẽ trở thành phao cứu mạng của người dân trong tương lai. Lính cứu hỏa chúng tôi mong sẽ được “thất nghiệp, ngồi không”, bởi khi tai nạn xảy ra, tinh thần và lương tâm của chúng tôi rất đau lòng và bất lực nếu không kịp cứu lấy nạn nhân. Lực lượng PCCC&CNCH sẽ luôn nỗ lực hết mình để bảo vệ sự an toàn của xã hội. Mong rằng, mỗi công dân sẽ thấu hiểu và hỗ trợ chúng tôi trên con đường ấy bằng cách tự nâng cao ý thức trách nhiệm, biết quý trọng mạng sống và sự an toàn của chính mình cùng người thân, bạn bè bắt đầu từ những hành động PCCC nhỏ nhất”.

Cần loại bỏ tư duy
Thượng tá Nguyễn Tiến Nam đã từng trực tiếp tham gia chỉ đạo, cứu nạn cứu hộ trong các vụ cháy gần đây tại Hà Nội

Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới đã nêu rõ. Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phải quán triệt quan điểm: Người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

Theo Thượng tá Nguyễn Tiến Nam, trách nhiệm của cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền và nghiêm túc xử lý những vi phạm quy định an toàn PCCC tại các địa phương cần được đẩy mạnh và giám sát kỹ lưỡng. Ngoài ra, việc mở rộng giáo dục kỹ năng PCCC&CNCH đến đông đảo người dân cần được thực hiện quyết liệt, sâu sát để mỗi người có thể tự nắm vững kiến thức về an toàn cho chính bản thân. Mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy cũng cần được nhân rộng, kèm theo đó là nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các vòi cứu hỏa tại các địa điểm trong ngõ sâu, nhằm hỗ trợ lực lượng chữa cháy khi hỏa hoạn xảy ra.

Trong công tác phòng cháy chữa cháy, việc phòng ngừa cần được đặt lên hàng đầu, với phương châm "phòng là xây, chữa là chống". Cần coi việc phòng ngừa là "cơ bản, chiến lược và lâu dài," bởi làm tốt công tác phòng cháy sẽ giảm thiểu nhu cầu chữa cháy. Phương châm cụ thể là: Từng nhà an toàn, từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn, từng khu phố an toàn, và từng xã, phường, thị trấn an toàn.

"Lực lượng ở trong dân, phương tiện ở trong dân, hậu cần ở trong dân và chỉ huy ở trong dân, sự tham gia tích cực của cộng đồng sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại và tăng hiệu quả công tác chữa cháy" - vị cán bộ này cho hay.

Tùng Linh
Phiên bản di động