Quốc hội giám sát việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực tại Bắc Giang

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm trưởng đoàn đã giám sát tại tỉnh Bắc Giang về việc thực hiện chính sách pháp luật phát triển và sử dụng nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2024.
Bắc Giang giải ngân được khoảng 770 tỷ đồng trong quý I/2025 Bắc Giang hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 Bắc Giang sẽ tháo gỡ nhanh chóng, kịp thời vướng mắc về NOXH

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, trong giai đoạn 2012 - 2024, việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong những ưu tiên hàng đầu để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1,2 nghìn cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của nhà nước trực thuộc tỉnh với gần 41,5 nghìn cán bộ, công chức viên chức. Trong đó trình độ tiến sĩ có 0,03%; trình độ thạc sĩ là 6,57%; trình độ đại học chiếm 76,7%; trình độ cao đẳng là 12,4%; trình độ trung cấp là 4,16%; trình độ sơ cấp là 0,14%.

Quốc hội giám sát việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực tại Bắc Giang
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giám sát tại tỉnh Bắc Giang về việc thực hiện chính sách pháp luật phát triển và sử dụng nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2024

Bắc Giang có hơn 1 triệu lao động đang làm việc trên địa bàn tỉnh. Trong đó, lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm 22,7%, công nghiệp và xây dựng chiếm 46,1%, dịch vụ chiếm 31,2%. Tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị là 2,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%, riêng tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 34%, cao hơn bình quân chung cả nước 6,5%.

Những năm gần đây, kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng GDP luôn nằm trong nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước, tăng trưởng kinh tế đạt hơn 14%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tỉnh Bắc Giang có nhiều chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có hơn 9,2 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với 322,5 nghìn lao động đang làm việc. Mỗi năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển từ 30-40 nghìn lao động.

Người lao động có tác phong công nghiệp, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất trong các dây chuyền hiện đại. Tình hình việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động liên tục được cải thiện.

Quốc hội giám sát việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực tại Bắc Giang
Bắc Giang có hơn 1 triệu lao động đang làm việc trên địa bàn

Tại đây, Đoàn giám sát đã trao đổi, yêu cầu tỉnh Bắc Giang làm rõ một số vấn đề về lao động nước ngoài làm việc tại địa phương; tình hình dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, từ phi chính thức sang chính thức; nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức khi sáp nhập tỉnh; năng lực cung ứng nguồn nhân lực khi dịch chuyển cơ cấu lao động; hệ thống các cơ sở đào tạo cung ứng nguồn nhân lực; công tác ứng dụng khoa học công nghệ, phân luồng giáo dục nghề nghiệp.

Phát biểu tại buổi giám sát, ông Nguyễn Việt Oanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, buổi làm việc của Đoàn giám sát giúp tỉnh Bắc Giang rà soát, đánh giá đúng thực trạng chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đồng thời có căn cứ thực tiễn để hoạch định, xây dựng các đề án, chương trình, chính sách cụ thể để phát huy tiềm năng, lợi thế và khắc phục những hạn chế còn tồn tại, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quốc hội giám sát việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực tại Bắc Giang
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát và tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thiện báo cáo để gửi lại Đoàn giám sát; đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể; tham mưu các nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết các vấn đề mà Đoàn giám sát đã chỉ ra trong việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực của tỉnh.

Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như thực hiện quyết liệt công tác sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy chính trị theo chỉ đạo của Trung ương. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo cho các trường công lập do tỉnh quản lý đáp ứng mục tiêu đào tạo theo quy hoạch.

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các chính sách đặc thù về thu hút, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay.

Quốc hội giám sát việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực tại Bắc Giang
Bà Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Kết luận buổi giám sát, bà Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trong đó có nhiều cách làm hay, hiệu quả, nhất là thu hút, đào tạo nhân tài và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thanh Hải đề nghị tỉnh Bắc Giang tiếp tục tham mưu, ban hành các chính sách đặc thù nhằm khuyến khích, thu hút, tuyển dụng, bổ nhiệm, bố trí sử dụng nguồn nhân lực. Tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án trong đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, thi đua, khen thưởng với người lao động, trong đó chú trọng ưu tiên vị trí việc làm, thu hút cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn sâu. Rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy đối với nhân lực có trình độ khoa học công nghệ. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là những ngành nghề trọng điểm.

Vi Hải

Bình luận

Phiên bản di động