Trình UNESCO ghi danh nghề làm tranh dân gian Đông Hồ
Bắc Ninh tổ chức sự kiện tôn vinh tranh Đông Hồ tại Hà Nội Ghép tranh dân gian tại workshop "Bắc nhịp tang bồng" Các Đại sứ trải nghiệm và khám phá vẻ đẹp Bắc Ninh |
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý gửi hồ sơ quốc gia đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét đưa "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh là một dòng tranh dân gian đặc sắc, đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay người Việt. Tranh Đông Hồ thuộc dòng tranh in từ ván khắc gỗ, do người dân làng Đông Hồ sáng tạo, sản xuất và phát triển thành làng nghề.
Đây là dòng tranh gắn bó và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền, cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác, phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân Việt. Người xem có thể tìm thấy những hình ảnh quen thuộc trong tranh Đông Hồ như: đám cưới chuột, những đàn lợn, đàn gà, những cô thiếu nữ hứng dừa hay cả cảnh đánh ghen của đôi vợ chồng trẻ…
Trước đây, làng tranh Đông Hồ có 17 dòng họ làm tranh. Sau năm 1945, các dòng tranh dân gian Đông Hồ cùng với Hàng Trống, Kim Hoàng bị suy thoái dần, đứng trước nguy cơ mai một, làng Đông Hồ chỉ còn 3 gia đình nghệ nhân duy trì nghề làm tranh. Đến năm 1990, một số nghệ nhân như Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Hữu Sam... đã sưu tầm tranh và các bản khắc chế để khôi phục lại dòng tranh dân gian Đông Hồ.
![]() |
Đến nay, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được quan tâm khôi phục, bảo vệ và phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại. Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (đợt 1 - tháng 12/2012) ở loại hình nghề thủ công truyền thống.
Theo Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, việc bảo vệ và phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ hiện nay là một công việc vô cùng cần thiết và cấp bách đối với các cơ quan quản lý, cộng đồng và các nghệ nhân. Điều này không chỉ có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ, phát huy một dòng tranh gắn liền với phong tục, tập quán của người Việt vào dịp Tết đến xuân về, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ kho tàng di sản của các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam và thế giới nói chung.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cũng cho rằng, việc lập hồ sơ trình UNESCO công nhận tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là bước đi thiết thực nhất để cứu vãn, vực dậy làng nghề tranh. Đó sẽ là cơ sở pháp lý cao nhất để nhà nước, chính quyền các cấp chung tay góp sức bảo vệ di sản. Đó cũng là động lực để cộng đồng địa phương quan tâm, dốc sức giữ gìn và củng cố di sản này.