Vĩnh Phúc: Thu hút du lịch nước ngoài về thăm quan "Làng văn hoá kiểu mẫu" tại xã Lý Nhân
Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ đưa tầm vóc của làng nghề
Xã Lý Nhân là xã đồng bằng trung du ở phía Tây Nam, cách trung tâm huyện Vĩnh Tường khoảng 4km, có 3 làng nghề truyền thống là Rèn thôn Bàn Mạch, Mộc thôn Vân Giang và Văn Hà, được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận năm 2006.
Diện tích tự nhiên cả xã Lý Nhân hơn 287ha, đất canh tác hơn 137ha, dân số hiện nay gần 6.000 người, trong đó lao động làm nghề truyền thống là 2.177 lao động, số gia đình văn hóa được công nhận năm 2020, chiếm 96,1%.
Từ năm 2015, xã Lý Nhân đã đạt chuẩn nông thôn mới, nay tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Xã Lý nhân bây giờ, các con đường đều được bê tông hóa kiên cố, rộng mở rất thuận lợi cho giao thông, người dân xã Lý Nhân thêm gắn với làng nghề truyền thống quê hương, đời sống được cải thiện, nâng cao.
Khu thiết chế văn hoá, thể thao Làng văn hoá kiểu mẫu Bàn Mạch, xã Lý Nhân đang gấp rút hoàn thiện những hạng mụ còn lại |
Cùng với đó, các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cũng được đầu tư xây dựng, cải tạo kiên cố, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, đi lại, giao thương của người dân địa phương thuận tiện, dễ dàng. Người dân xã Lý Nhân chủ yếu dựa vào 2 nghề truyền thống rèn và mộc kết hợp với nghề nông và một số nghề khác để sinh sống. Thu nhập bình quân theo đầu người năm nay ước khoảng 60 triệu đồng.
Ông Lỗ Tất Thắng – Bí thư Đảng uỷ xã Lý Nhân chia sẻ, đối với làng nghề rèn Bàn Mạch, dù đã là làng nghề truyền thống từ nhiều đời nay, nhưng khi được chọn xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu, lấy phát triển làng nghề là căn cứ xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu thì đối với người dân, vẫn là một niềm vui lớn. Những người còn gìn giữ và phát triển nghề rèn không chỉ bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của địa phương mà còn tạo ra giá trị kinh tế lớn, góp phần vào làm giàu cho quê hương.
Khu nhà thờ tổ nghề rèn Lý Nhân. |
Được đầu tư gần 20 tỷ đồng, thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường đã triển khai đề án xây dựng khu thiết chế Làng văn hóa kiểu mẫu trên diện tích hơn 5.000m2 gồm nhà văn hóa, công viên, sân tập thể dục, thể thao đến thời điểm này đã hoàn thành 60%.
Ngay sau khi có chủ trương của tỉnh về xây dựng Làng Văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn thôn Bàn Mạch, Đảng ủy, UBND xã Lý Nhân đã triển khai thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc Ban chỉ đạo thực hiện đề án xây dựng mô hình làng văn hóa kiểu mẫu Bàn Mạch.
Đảng ủy xã Lý Nhân đã vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu gắn liền xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã Lý Nhân, trước tiên đảng viên chi bộ làng Bàn Mạch làm nòng cốt, phải hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu. Trên cơ sở đó rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu 2 làng nghề mộc còn lại.
Làng nghề rèn truyền thống tại xã Lý Nhân ngày càng khẳng định thương hiệu |
Bí thư Chi bộ thôn Bàn Mạch Lữ Thị Minh phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ đảng làm tuyên truyền vân đông gia đình mình, sau đó mở rộng ra toàn dân thực hiện và có trách nhiệm theo dõi giám sát, vận động khu dân cư thực hiện các nội dung chỉ đạo của Ban chỉ đạo xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu như tổ chức vệ sinh môi trường, làm sạch đường làng ngõ xóm, tuyên truyền vận động các hộ sản xuất có xả khí, bụi làm ảnh hưởng môi trường có các biện pháp khác phục…. Tổ chức trồng hoa, trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp…
Trên quan điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu lấy người dân, cộng đồng dân cư làm chủ thể theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, Nhân dân làng Bàn Mạch rất phấn khởi, đồng thuận thực hiện xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu.
Xu hướng mới của du lịch văn hóa địa phương
Ông Nguyễn Xuân Toàn - Phó bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Lý Nhân nêu rõ, xã đang xây dựng để án cụ thể để phát triển du lịch cộng đồng dựa trên các trên những lợi thế sẵn có của địa phương bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và đặc thù văn hóa địa phương về phong tục tập quán, lễ hội, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô trao đổi với Chủ tịch UBND xã Lý Nhân trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. |
Chính quyền, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quan điểm, chủ trương, các cơ chế, chính sách, công bố công khai quy hoạch xây dựng, lấy ý kiến Nhân dân về quy hoạch, địa điểm xây dựng các công trình trong đề án... Tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổ động trực quan, lồng ghép tuyên truyền thông qua các hội nghị, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao...
Theo ông Toàn, hiện địa phương đang xây dựng để án cụ thể để phát triển du lịch cộng đồng dựa trên các trên những lợi thế sẵn có của địa phương để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và đặc thù văn hóa địa phương cụ thể như các giá trị văn hóa ẩn chứa trong phong tục tập quán, lễ hội, trong các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Du khách nước ngoài (Anh, Đức, Pháp) đến thăm làng nghề rèn Bàn Mạch. |
Làng Bàn Mạch được lựa chọn xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu do có chùa Long Khánh đang lưu giữ chuông cổ từ năm 1814, bia đá năm 1924. Ngoài ra ở đây có làng rèn Lý Nhân hay còn gọi là làng rèn Bàn Mạch (thuộc xã Lý Nhân).
Từ xa xưa, nơi đây nổi tiếng với những sản phẩm dao thép hiếm có vùng nào sánh kịp. Ngay cả những người dân trong làng cũng không ai biết rõ nghề rèn bắt đầu từ bao giờ, nhưng suốt hàng trăm năm qua nghề rèn vẫn được cha truyền con nối, âm thầm, bền bỉ phát triển mà không hề bị mai một.
Các sản phẩm của làng rèn Lý Nhân được được khách hàng trong nước và nước ngoài (Đức, Nhật, Anh) đánh giá cao và đem lại lợi thu nhập cao cho người dân.
Cây gạo cổ thụ bên Hồ sen làng Bàn Mạch rộng gần 4 ha cho thu hoạch mỗi năm hàng trăm triệu đồng, tiến tới mở rộng trồng thêm tới 10 ha |
Hiện nay, ở địa phương này mỗi tháng đón từ 30 đến 40 du khách là người Anh, Mỹ, Đức, Hàn Quốc. Họ đến làng rèn Bàn Mạch xem người dân rèn dao, kéo và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp. Do đó, việc xây dựng làng văn hóa Bàn Mạch là bước tiền đề để địa phương phát triển du lịch làng nghề trong thời gian tới.
Anh Nguyễn Văn Đông, thợ rèn lành nghề tại làng nghề rèn truyền thống Bàn Mạch phấn khởi cho biết: “Việc xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ đưa làng nghề lên tầm cao mới. Những người làm nghề như chúng tôi không chỉ được hưởng thụ các giá trị văn hóa, mà còn có cơ hội được quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề”.
Có thể nói, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, ý Đảng - lòng dân đồng thuận, thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân sẽ sớm hoàn thành việc xây dựng Làng văn hoá kiểu mẫu và xã Nông thôn mới nâng cao.