Vĩnh Phúc: Huyện Vĩnh Tường dự kiến sản lượng lương thực đạt 20.675 tấn vụ mùa năm 2023

Ngày 5/5, UBND huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2023.
Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Xét xử lưu động 3 vụ án liên quan mua bán trái phép chất ma túy Vĩnh Phúc: Phát động chiến dịch truyền thông về sức khỏe sinh sản Vĩnh Phúc: Chuẩn bị cưỡng chế đợt 1 các trường hợp vi phạm Luật đất đai tại xã Tân Tiến

Ông Lê Nguyễn Thành Trung – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho biết, năm 2022, công tác PCTT-TKCN và sản xuất vụ mùa diễn ra trong điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, cuối tháng 8 do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây mưa to và ngập úng trên 1.000 ha cây hàng năm, dẫn đến năng suất, sản lượng hầu hết các loại cây trồng vụ mùa năm 2022 đều giảm.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sát sao của Huyện uỷ, UBND huyện, các cấp, các ngành đã chủ động chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, triển khai phương án, ứng phó kịp thời với mọi tình huống đảm bảo an toàn cho hệ thống đê, các công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, góp phần ổn định đời sống phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Đồng chí Lê Nguyễn Thành Trung – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Ông Lê Nguyễn Thành Trung – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Để nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế, góp phần đạt các chỉ tiêu kinh tế trong năm, vụ mùa năm 2023, huyện Vĩnh Tường phấn đấu đạt chỉ tiêu tổng diện tích gieo trồng đạt 5.270ha; sản lượng lương thực có hạt đạt 20.675 tấn. Cùng đó, huyện sẽ đẩy mạnh công tác chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; chú trọng việc xúc tiến thương mại; xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, năm 2022, các cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời các sự cố về đê điều theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các cấp, các ngành đã chủ động chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, chủ động tổ chức triển khai kế hoạch, phương án, ứng phó kịp thời với mọi tình huống đảm bảo giữ đê, kè, cống an toàn, góp phần ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các xã và một số cơ quan, phòng, ban đã tập trung thảo luận, nêu rõ những mặt đạt được và chưa đạt được trong công tác phòng chống thiên tai cũng như sản xuất và đề xuất giải pháp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện nhằm nâng cao năng suất, sản lượng lương thực, tăng giá trị thu nhập trên diện tích canh tác.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Kết luận hội nghị, ông Lê Nguyễn Thành Trung – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường yêu cầu, đối với công tác phòng chống thiên tai và TKCN, cơ quan thường trực tham mưu với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN, tổ chức thường trực, cập nhật thông tin thời tiết, khí tượng - thủy văn, diễn biến thiên tai, các văn bản của cấp trên để kịp thời tham mưu chỉ đạo, thực hiện hiệu quả, phân công cán bộ trực tại cơ quan 24/24 giờ hàng ngày kể từ ngày 15/5 đến ngày 31/12/2023 theo quy định.

Cơ quan thường trực phải kiểm tra, đôn đốc các cụm phòng chống thiên tai, các ngành, các xã, thị trấn chuẩn bị kế hoạch, lực lượng, vật tư, phương tiện phòng chống thiên tai, tuần tra canh gác đê; tham mưu giúp UBND huyện xây dựng và triển khai Kế hoạch hộ đê từ K0 đến K18 tuyến đê tả sông Hồng; từ K13+500 đến K23+370 tuyến đê tả sông Phó Đáy và tuyến đê bối sông Hồng thuộc địa bàn huyện quản lý và chống ngập úng nội đồng. Xây dựng phương án xử lý mạch đùn, mạch sủi, thẩm lậu mái đê tả Phó Đáy trên địa bàn xã Kim Xá, Yên Lập...

Đối với sản xuất vụ mùa, UBND huyện giao Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân thực hiện tốt cơ cấu giống và thời vụ gieo trồng; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chuyển giao các giống lúa mới, tiến bộ kỹ thuật mới nhằm tìm ra những giống lúa và phương thức canh tác phù hợp với địa phương.

Trạm Trồng trọt & Bảo vệ thực vật xây dựng kế hoạch, tổ chức điều tra dự tính, dự báo và hướng dẫn biện pháp phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng, chú ý đến sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn; phát động chiến dịch diệt chuột từ 1-15/7/2023, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thu gom, xử lý xác chuột đảm bảo vệ sinh môi trường; phối hợp với các ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn tăng cường thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh thuốc BVTV; kịp thời xử lý các trường hợp kinh doanh ngoài danh mục, thuốc cấm, thuốc giả....

Xí nghiệp thủy lợi huyện lập kế hoạch tưới nước theo lịch thời vụ của huyện; phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các tổ chức thủy lợi cơ sở tổ chức tưới tiêu đảm bảo hiệu quả cho sản xuất. UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc cơ cấu giống và lịch thời vụ của huyện; sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp ưu tiên cho công tác tập huấn kỹ thuật, mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao và đặc biệt chú trọng đến công tác diệt chuột; chỉ đạo tổ chức thủy lợi cơ sở chủ động tu bổ, nạo vét kênh mương, sửa chữa, bảo dưỡng máy bơm trước khi vào thời vụ gieo cấy; thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch sản xuất vụ Mùa năm 2023....

Lê Sơn
Phiên bản di động