Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo rõ việc xử lý ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt và mua bắt buộc
Sáng 5/6, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng còn nhiều nội dung quan trọng, cốt lõi của dự án luật nhưng chưa đủ cụ thể, chưa phù hợp cần phải tiếp tục được hoàn thiện. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế báo cáo Quốc hội xem xét, cân nhắc thông qua dự án luật theo quy trình 3 kỳ họp.
Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh về tỷ lệ sở hữu cổ phần, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ hơn cơ sở đề xuất các tỷ lệ như tại dự thảo luật; Đánh giá rõ thực trạng sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng để xác định rõ mức độ, nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo để đề xuất giải pháp căn cơ, triệt để và xử lý được tình trạng sở hữu chéo hiện nay.
Đồng thời, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung đánh giá tác động của các quy định đối với các cổ đông hiện hữu, nhất là cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ phải giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi luật có hiệu lực; Tác động đến thị trường chứng khoán.
Về ngân hàng chính sách, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc như mục tiêu, mô hình hoạt động, quản trị, điều hành, cơ chế quản lý tài chính, các chỉ tiêu an toàn vốn, tổ chức lại, giải thể...; Rà soát các quy định tại các luật có liên quan, bảo đảm không vướng mắc và đủ căn cứ pháp lý khi triển khai thực hiện.
Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước; việc xử lý trong trường hợp khẩn cấp hoặc gặp khó khăn về thanh khoản. Trong dài hạn, cần nghiên cứu xây dựng luật riêng điều chỉnh loại hình ngân hàng chính sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. |
Về giới hạn cấp tín dụng, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng do việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro; có thể tác động tiêu cực đến thu hút FDI của Việt Nam do giảm khả năng vay trong nước…
Về kiểm soát đặc biệt, chuyển giao bắt buộc, phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát lại trường hợp đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt; Làm rõ quy định về biện pháp đặc biệt báo cáo Quốc hội; Báo cáo rõ cơ sở bổ sung quy định so với luật hiện hành thẩm quyền của Hội đồng quản trị.
Về phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt, Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo rõ thêm về tình hình xử lý các tổ chức tín dụng mua bắt buộc và đặt vào kiểm soát đặc biệt trong thời gian qua (bao gồm cả việc kiểm soát đặc biệt các quỹ tín dụng nhân dân).
Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ các nguyên nhân của việc chậm trễ trong quá trình triển khai xử lý các ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng đặt vào kiểm soát đặc biệt; lý do chưa đề xuất những biện pháp mạnh như giải thể, phá sản, dẫn đến quy mô huy động vốn trong cư dân ngày càng lớn, tác động càng nhiều đến an toàn hệ thống, Nhà nước phải can thiệp. Từ đó có cơ sở xem xét sự phù hợp của các giải pháp đưa ra đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm dân sự của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng khi để tổ chức tín dụng mất thanh khoản phải kiểm soát đặc biệt và từ đó phải chuyển giao bắt buộc hoặc giải thể, phá sản.
Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế thấy rằng quy định tại dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở một số quy định tại Nghị quyết số 42 đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý nhằm xử lý nhanh nợ xấu, khơi thông nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, Nghị quyết số 42 là nghị quyết thí điểm được ban hành trong bối cảnh nợ xấu cao, phức tạp và tập trung trong một thời gian nhất định.
Vì vậy, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42 cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong bối cảnh các quy định pháp luật hiện nay đã được hoàn thiện rõ ràng, đầy đủ hơn.
"Cần đánh giá tổng thể, khách quan bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với công tác xử lý nợ xấu, từ đó hoàn thiện các quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hoá quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm hài hòa, công bằng với các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế trên nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung phù hợp trong điều kiện bình thường", ông Thanh nói.
Về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị tiếp tục rà soát quy định cụ thể hơn và thể hiện rõ mục đích của dự án Luật trong việc tăng cường chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu. Có ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước bảo đảm an toàn hệ thống, trong đó có việc đánh giá và công khai xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức tín dụng.
Đồng thời, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị tiếp tục rà soát những điểm giao thoa giữa các luật trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, thể chế hóa trách nhiệm quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan trong luật. Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiến tới xây dựng hệ thống thanh tra, giám sát, độc lập và thống nhất đối với thị trường ngân hàng, tài chính, bảo hiểm bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả...