Ứng xử có văn hóa để đẩy lùi virus corona
Cần có thái độ đúng mực
Những ngày này, các địa danh Vũ Hán, Trung Quốc, con dơi hay virus corona đang là từ khóa “hot” trên mạng. Bất cứ nơi đâu, từ cơ quan công sở đến chợ, siêu thị, quán trà đá vỉa hè, nhà ga, sân bay, bến xe buýt, bệnh viện… người ta đều bàn tán xôn xao về dịch bệnh đáng sợ này.
Rôm rả hơn cả chính là “chợ” mạng xã hội. Có rất nhiều thông tin được cập nhật kịp thời nhưng kéo theo đó cũng là không ít tin đồn thất thiệt khiến dân tình hoang mang, lo lắng.
Nhiều người cứ như ngồi trên đống lửa. Chị Cúc (Đông Anh, Hà Nội) thì cứ hễ đọc được tin gì trên mạng xã hội là vội vàng chia sẻ trên “tường” nhà mình. Chưa kể, chị còn về tuyên truyền khắp xóm. Trong các cuộc “buôn” như vậy, mỗi người một ý, càng đẩy sự việc trở nên nghiêm trọng hơn.
Chưa kể, việc tụ tập, chuyện trò tào lao lâu như vậy cũng là một trong những nguy cơ lây nhiễm từ người này sang người khác rất nhanh nếu chẳng may một trong số những người đó đã tiếp xúc với người có virus corona trong người.
Chị Thảo (Hoàng Mai, Hà Nội) còn đùng đùng tuyên bố cho con nghỉ học, không đến trường lớp, không giao tiếp với ai vì theo chị “mù chữ không chết chứ dính corona chết chắc”.
Chị Mai (Đống Đa, Hà Nội) thì cẩn thận hơn, mua khẩu trang về cho cả gia đình đeo. Chị nhắc cả nhà rửa tay xà phòng thường xuyên, tránh đến nơi đông người khi không cần thiết. Các con đi học chị cũng chuẩn bị cho mỗi đứa một chai nước riêng.
Có người thấy thế lại chê chị là “non gan”. Mặc kệ cho các phương tiện truyền thông đại chúng cập nhật hàng giờ, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số người vẫn “bình chân như vại”, coi đó không phải là việc của mình.
Trong khi đó có cả những kẻ cơ hội, lợi dụng “đục nước béo cò”. Những ngày này, mặt hàng khẩu trang y tế, khẩu trang và xà phòng diệt khuẩn, nước rửa tay khô đang là thứ được lùng mua khắp nơi.
Từ các chợ, cửa hàng thuốc truyền thống đến “chợ” online, tốc độ giao dịch chóng mặt. Người bán được cũng hỉ hả mà người mua được cũng hỉ hả hơn.
Điều đó càng đẩy giá các mặt hàng này lên đến mức khác thường. Nhất là khẩu trang, giá gấp đôi, gấp ba ngày thường mà cũng không có để mua.
Chị Hải (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bảo ngày thường khẩu trang ba lớp chỉ vài chục nghìn một hộp, nay phải mua đến 175 ngàn đồng một hộp mà cũng phải tranh nhau mới có. Anh Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết khẩu trang ở phố Vũ Trọng Phụng còn tăng gấp 5 lần ngày thường.
“Cánh” bán hàng online thì vội vàng đặt gấp các loại nước rửa tay khô từ nước ngoài về để kịp bán.
Mỗi người hãy là một “chiến binh”
Dịch bệnh diễn ra vào dịp thời tiết khác thường như năm nay, người dân lo lắng cũng là lẽ đương nhiên. Suốt từ Tết Nguyên đán, hiện tượng mưa rào, mưa đá chưa từng có trong mấy chục năm trở lại đây cùng với cái rét tê tái của miền Bắc đã là chủ đề được nhiều người bàn tán xôn xao.
Ra xuân, năm nào cũng vậy, với kiểu mưa bụi, ẩm ướt đặc trưng, miền Bắc đã vốn có rất nhiều bệnh theo mùa khiến người ta ngán ngẩm. Nay lại thêm dịch virus corona đe dọa tính mạng, mỗi người nên là một “chiến binh” để tự bảo vệ mình.
Trước hết, cần có nhận thức, tri thức rõ ràng về dịch bệnh. Các phương tiện truyền thông đại chúng có đăng tải rất nhiều bài về dịch virus corona. Muốn tiêu diệt, chiến thắng và tránh lây nhiễm bệnh trước hết cần phải có hiểu biết về nó.
Chúng ta thay vì sợ sệt, lo lắng làm quá lên hay bàng quan, bỏ ngoài tai hoặc bài bác người khác thì nên tìm hiểu kĩ thông tin về dịch bệnh này. Nguồn thông tin tuyệt đối nên cập nhật tại các phương tiện báo, đài, bệnh viện chính thống và các cảnh báo của Bộ Y tế được cập nhật hàng ngày.
Người dân tuyệt đối không nên đọc, nghe theo và lan truyền các thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội để làm nhiễu loạn thêm tình hình; Chỉ nên tin theo những khuyến cáo của cơ quan chức năng và thực hiện nghiêm túc theo chỉ dẫn của ngành y tế thì chúng ta mới giữ ổn định được tình hình.
Người xưa vẫn có câu “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Muốn vượt qua dịch bệnh không có cách nào khác là phải hiểu biết về nó để có phương cách chống trả. Đó là nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của mỗi người dân.
Còn nếu phòng, chống bệnh theo kiểu “nghe hơi nồi chõ” rồi chưa bệnh đã “vái tứ phương” thì sự hăng hái, cẩn thận của chúng ta đôi khi thành thừa và có khi còn làm hại chính bản thân mình cùng bạn bè, người thân của mình nữa.
Nâng cao ý thức để bảo vệ mình và cộng đồng
Trải qua ngàn năm lịch sử, Thăng Long- Hà Nội chịu không biết bao thăng trầm, biến thiên. Can qua, giặc giã, bệnh dịch cũng không ít. Đuổi giặc dữ, đánh bại thiên tai, địch họa phần lớn là nhờ các cánh quân tinh nhuệ, tài giỏi nhưng văn hóa, căn cốt Tràng An cũng là một yếu tố đóng góp vào thắng lợi sau cùng.
Với những kẻ địch hung hiểm xưa kia chúng ta đã nhiều lần chống lại, thì dịch virus corona lần này cũng là một kẻ địch. Chống địch cần nâng cao cảnh giác trên mọi mặt trận. Đây cũng là thử thách cho người Hà Nội trong lối ứng xử trước bất kì tình huống nào.
Trong khi các lĩnh vực y tế, truyền thông và nhà nước đang nỗ lực ngăn chặn dịch bằng mọi biện pháp, thì mỗi người dân cũng có thể điều chế những “phương thuốc” của riêng mình.
Thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của ngành y tế như đeo khẩu trang, sát khuẩn, khử trùng, ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh thân thể, trường học, nhà cửa, văn phòng… là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch.
Người dân nên hạn chế tụ tập đông người để tránh sự lây nhiễm rộng cũng là ý thức để ngăn chặn sự bùng phát của dịch virus corona. Trong khi đó, với những người sức khỏe kém, đang có bệnh thì càng tránh đến những nơi đông đúc như điểm du lịch, nhà ga, bến xe, sân bay.
Điều quan trọng nhất, khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì mọi người càng phải hạn chế tiếp xúc với người khác, đi khám chữa và chia sẻ lịch trình di chuyển với cơ quan chức năng một cách trung thực. Điều này giúp ích cho việc chữa bệnh của bản thân và khoanh vùng, hạn chế việc virus corona (nếu có) bị phát tán rộng rãi, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người khác.
Sự bình tĩnh, cộng đồng trách nhiệm còn thể hiện ở chỗ các cá nhân đừng thừa cơ trục lợi, bán khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, thuốc, thực phẩm chức năng tăng sức đề kháng… lên đến mức cắt cổ. Vì như vậy, không những khiến thị trường nhiễu loạn, lòng người bất an mà công tác phòng chống dịch càng trở nên quá tải, nặng nề.
Cuộc sống vẫn tiếp diễn khi có dịch. Con người càng phải ứng xử văn hóa hơn khi có dịch. Đó mới là một trong những cách giúp phòng chống dịch hiệu quả.
Đó là thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân với chính bản thân và với cộng đồng và xây dựng một nền tảng văn hóa ứng xử vững chãi giữa người với người, bất di bất dịch qua mọi biến động của xã hội.