Tư lệnh ngành văn hóa giải trình vụ chậm giải ngân 300 tỷ đồng

Chiều 5/6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng.
Quốc hội chất vấn về lĩnh vực kiểm toán, văn hóa Trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 Văn hóa, con người – nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô

Trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề sử dụng quỹ xúc tiến du lịch.

Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho biết sau dịch COVID -19, Chính phủ và Quốc hội quan tâm hỗ trợ ngành du lịch phục hồi bằng chính sách tài khóa tiền tệ, bố trí 300 tỷ đồng cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch (theo Nghị quyết 43).

Tuy nhiên, đến nay số kinh phí này vẫn nằm trong tài khoản ngân hàng và tiền lãi được dùng chi cho hoạt động thường xuyên và bộ máy hành chính quản lý quỹ. Ông Cường đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

Tư lệnh ngành văn hóa giải trình vụ chậm giải ngân 300 tỷ đồng
Quang cảnh buổi chất vấn của ĐBQH đối với Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, 300 tỷ đồng này không phải quỹ để hỗ trợ phát triển du lịch, mà theo Luật Du lịch, số tiền này gọi là vốn điều lệ. Vốn này phải được bảo tồn bằng cách gửi ngân hàng, phần lãi được dùng làm chi phí cho tổ chức bộ máy.

Theo ông Hùng, số tiền 300 tỷ đồng được chia làm hai phần, mỗi phần 150 tỷ đồng. Theo đó, 150 tỷ đồng được nhận trước đã được gửi vào ngân hàng, số lãi chi cho hoạt động của bộ máy theo đúng quy định và sự kiểm soát của Kho bạc Nhà nước. Số tiền còn lại được lưu giữ ở Kho bạc.

Hiện, Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo để củng cố, kiện toàn đội ngũ quỹ, tiếp tục đề xuất cơ quan có thẩm quyền phối hợp để hình thành, thiết lập các quỹ theo quy định vì đây là mô hình mới (mô hình doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập).

Tư lệnh ngành văn hóa giải trình vụ chậm giải ngân 300 tỷ đồng
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, đến thời điểm này vẫn chưa phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, cách điều hành chưa hiệu quả, nên phải điều chỉnh cho phù hợp, tập trung xúc tiến, quảng bá hiệu quả hơn…

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) chất vấn, du lịch đêm là hướng đi đúng đắn nhưng sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội. Bộ trưởng cho biết thêm giải pháp về vấn đề này?

Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, từ khi ban hành đề án thí điểm du lịch đêm ở một số địa phương đã nhận được tín hiệu tích cực. Bộ đã lựa chọn 12 tỉnh, thành phố để tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch ban đêm. Nhờ sự nỗ lực của Bộ và các địa phương, tín hiệu bước đầu của việc phát triển sản phẩm du lịch đêm khá tích cực.

Ví dụ như TP. Hà Nội, Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh khác đã tìm thấy nhiều sản phẩm du lịch đêm thu hút và đáp ứng được nhu cầu của du khách. Tuy nhiên đây cũng vấn đề mới và khó, du lịch là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp.

Để có giải pháp căn cơ, Bộ đã đề xuất cần giải bài toán quy hoạch, lực lượng lao động, chế độ chính sách cho những hoạt động biểu diễn, nghiên cứu thị trường…

Theo Bộ trưởng, thời gian tới, Bộ VH-TT-DL sẽ gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa từng địa phương; phát triển các loại hình ẩm thực; đáp ứng nhu cầu mua sắm. Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu và cần có lộ trình để đảm bảo tính hiệu quả của du lịch đêm.

Thái Sơn
Phiên bản di động