Trình Quốc hội Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035
Từ 1/6 nhiều chính sách mới có hiệu lực Văn hóa, con người – nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô Cần công cụ pháp lý để công viên văn hóa bãi giữa sông Hồng thành hiện thực |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943, văn kiện đầu tiên của Đảng về văn hóa đã xác định Văn hóa là một trong ba mặt trận, cùng với Kinh tế, Chính trị. Trong những năm qua, dù đã được quan tâm, nhưng việc đầu tư phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế, nguồn lực đầu tư cho văn hóa còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra. Văn kiện Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 cũng khẳng định rất rõ nội dung này.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng |
Nhằm cụ thể hóa định hướng "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa", phấn đấu hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra: "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế", việc đầu tư xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là rất cần thiết.
Về căn cứ xây dựng Chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa được căn cứ từ: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; và các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về phát triển văn hóa; Kết luận số 42-KL/TW ngày 20/10/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế xã hội năm 2022-2023; Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Nghị quyết số 68/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Các Nghị quyết của Chính phủ giao Bộ VHTTDL nghiên cứu, xây dựng CTMTQG về phát triển văn hoá.
Quang cảnh kỳ họp |
Thông tin về nội dung cơ bản của Chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, Chương trình có 7 mục tiêu tổng quát: (1) Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; (2) Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân; (3) Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; (4) Tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa; (5) Xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, chuyên gia đầu ngành, lực lượng người lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao; (6) Phát huy tính đại chúng, tính khoa học, tính dân tộc của văn hóa thông qua đổi mới sáng tạo; (7) Nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Chương trình có 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035 có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để phát triển văn hóa trong thời gian tới.
Bộ trưởng cũng cho biết, trên cơ sở đánh giá tổng kết việc thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, để đảm bảo tiến độ của các nội dung công việc ngay sau khi Chương trình được phê duyệt, Chính phủ kính đề nghị Quốc hội cho phép Chương trình thực hiện thời gian là 2025-2035.
"Trên cơ sở ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo đề xuất Chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua" – Bộ trưởng nói.