Truyền cảm hứng, thúc đẩy văn hóa tình nguyện và sẻ chia cho thanh niên
Dấu ấn trí thức trẻ tình nguyện tại Binh đoàn 16 Nhiều chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện |
Tọa đàm “Văn hóa tình nguyện - Văn hóa sẻ chia” bắt đầu bằng một câu hỏi thú vị từ diễn giả Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền Vững (MSD): Nhắc tới từ thiện, bạn nghĩ đến các từ khóa gì?
Mỗi một bạn trẻ góp 1 từ khóa tạo nên một bức tranh sơ khởi về từ thiện theo cách hiểu của giới trẻ.
Toàn cảnh buổi tọa đàm "văn hóa tình nguyện - văn hóa sẻ chia" |
Anh Hoàng Hoa Trung, Forbes 30 Under 30 Việt Nam năm 2020, thủ lĩnh tình nguyện nổi tiếng với các dự án "Ánh sáng núi rừng", "sức mạnh 2000" xóa bỏ hàng trăm điểm trường tranh tre nứa lá cho trẻ em vùng cao; dự án "Nuôi em" bảo trợ bữa ăn bán trú cho hơn 20.000 học sinh vùng núi trong năm 2020 đã có những chia sẻ đầy xúc động.
Anh Hoàng Hoa Trung truyền cảm hứng cho giới trẻ qua hành trình tình nguyện của bản thân từ năm 2003 đến nay |
Anh cho biết: "Ai cũng có thể làm từ thiện, kể cả khi chưa có gì trong tay. Làm từ thiện đừng làm những gì tốn nhiều tiền". Đội nhóm của anh đã từng xin ve chai, giấy lộn, gốm lỗi, xin đồ thừa người ta vứt đi để gây quỹ làm từ thiện, bởi vậy nên có biệt danh "Trung đồng nát". Cho đến tận bây giờ, đội nhóm của anh đã gây quỹ cả trăm tỷ đồng nhưng anh vẫn xin và tận dụng đủ mọi thứ người ta không còn sử dụng và gây quỹ từ những vật phẩm 0 đồng.
Cách làm của anh Trung khái quát trong 2 từ "ý tưởng + huy động sức mạnh cộng đồng". Chẳng hạn như dự án "Dũng sĩ bạt" gom bạt bỏ đi sau sự kiện ở thành phố về che triệu điểm trường nát khỏi gió mưa ở vùng cao. Hay như dự án "Em Sỏi và Trường" - biến những viên sỏi vô tri thành nghệ thuật, đấu giá để gây quỹ xây trường.
Những bức tranh sỏi giàu ý nghĩa nhân văn về sự sẻ chia và tinh thần thiện nguyện, tinh thần đoàn kết. Đá thầy cô lấy trên suối, người hỗ trợ vận chuyển, họa sĩ thổi hồn tranh, người góp sức góp công đấu giá, người góp tiền mua về trưng bày.
Bạn trẻ đặt câu hỏi cho các diễn giả về văn hóa tình nguyện, văn hóa sẻ chia |
Chia sẻ với các bạn sinh về về việc chứng minh được sự minh bạch của dự án từ thiện, lấy được lòng tin của nhiều người, Hoàng Trung Hoa cho rằng bí quyết nằm ở nghệ thuật truyền miệng. Làm thế nào để chạm để chạm đến cảm xúc cho người ta truyền miệng?
Đó là câu chuyện cá nhân hóa dự án, cho người ta thấy sự minh bạch trong các hoạt động dự án. Ví dụ như dự án Nuôi em, anh nghĩ ra cách cung cấp thông tin cho từng em nhỏ: tên tuổi, hình ảnh, địa chỉ xã. Kèm theo đó là số điện thoại của người thân, thầy cô, của phòng giáo dục địa phương. Người nuôi em có thể kiểm tra trực tiếp qua số điện thoại hoặc có thể đến tận nơi qua những chuyến thăm em trực tiếp tổ chức hàng năm.
Nhà báo Diệp Chi thẳng thắn chia sẻ về những sai lầm trong quá khứ để các bạn trẻ tỉnh táo hơn trong công việc thiện nguyện, không vấp phải sai lầm, không lặp lại nỗi đau như ekip "Điều ước thứ 7" đã gặp phải |
Dưới góc nhìn của báo chí và truyền thông, MC, đạo diễn Diệp Chi chia sẻ: "Từ thiện bắt đầu từ những điều giản dị. Khi dấn thân vào hành trình từ thiện, bạn sẽ tự hào về bản thân và cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn rất nhiều. Tuy nhiên cần phải có một trái tim nóng và một cái đầu lạnh khi từ thiện".
MC Diệp Chi chia sẻ về sự cố mà ekip chương trình "Điều ước thứ 7" gặp phải năm 2016 và nhấn mạnh với các bạn trẻ rằng: khi bị cuốn theo cảm xúc, người làm công việc thiện nguyện có thể vấp phải sai lầm, làm mất đi niềm tin, thiện cảm và sức lan tỏa của chương trình đã xây dựng từ trước đó. Cái quan trọng là biết sai thì phải xin lỗi, không được phép trốn tránh.
Em Phương Hảo, SV học viện Báo chí Tuyên truyền đặt câu hỏi về khủng hoảng truyền thông và cách xử lý khủng hoảng cho dự án thiện nguyện. |
"Trao đi lòng tốt là một chất kích thích, để thấy rằng mình cần cố gắng nhiều hơn nữa. Mình sẽ được nhận về nhiều thứ mà có tiền cũng không mua được", MC Diệp Chi nói.
Diễn giả Phương Linh đưa tới những khái niệm lý thuyết, giúp bạn trẻ hình dung con đường chuyên nghiệp hóa các hoạt động tình nguyện |
Diễn giả Phương Linh giúp các bạn thanh niên hiểu được vai trò của thiện nguyện và nhận diện hai hình thức phổ biến, đó là: Từ nguyện nhân đạo - một hình thức khá phổ biến tại Việt Nam, được thực hiện nhằm giải quyết những khó khăn tức thời và đáp ứng những nhu cầu trước mắt như thức ăn, nước uống, chi phí chữa bệnh...
Từ thiện phát triển là định hướng đầu tư lâu dài, tập trung vào giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, và phát huy nội lực của mỗi cá nhân và cộng đồng, từ đó góp phần thay đổi cuộc sống của họ một cách bền vững. Tiến trình này đòi hỏi sự đầu tư có tính chiến lược cả về thời gian, công sức, và tâm huyết.
Các diễn giả cũng dành nhiều thời gian để giải đáp các thắc mắc của nhiều bạn trẻ về: Làm thế nào để cân bằng giữa hoạt động tình nguyện và học tập? Làm sao để làm từ thiện mà không vướng phải định kiến “từ thiện câu like, câu view”? Sử dụng hình ảnh của nhân vật như thế nào cho đúng? Có cần truyền thông cho dự án tình nguyện từ thiện hay không?...
Anh Sơn, nhân viên TH đặt câu hỏi về sự minh bạch của dự án từ thiện và cách thức thuyết phục các nhà tài trợ dự án. |
Tọa đàm “Văn hóa tình nguyện - Văn hóa chia sẻ” do Quỹ Vì tầm vóc Việt tổ chức. Đây là hoạt động thứ 7 trong chuỗi huấn luyện khóa II dành cho sinh viên DynaGen Initiative - một dự án lớn và dài hạn do Quỹ Vì tầm vóc Việt khởi xướng, và phối hợp triển khai cùng Báo Giáo dục & Thời đại, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam.
Với Tọa đàm này, Quỹ Vì tầm vóc Việt mong muốn gợi mở cho các bạn thanh niên quan điểm đa chiều về “cho và nhận”, cũng như truyền cảm hứng để xây dựng một thế hệ trẻ tâm huyết và sẵn sàng cống hiến cho xã hội.