Trình Quốc hội Nghị quyết về Trung tâm tài chính tại kỳ họp thứ 9
Thủ tướng: Có chính sách vượt trội để xây dựng trung tâm tài chính Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính với bản sắc riêng |
Tổng Thư ký Quốc hội vừa có văn bản công bố một số nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành.
Trong đó, tại Nghị quyết số 75/2025/UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình lập pháp) năm 2025.
Theo đó, bổ sung các dự án luật, dự thảo nghị quyết sau đây vào chương trình lập pháp năm 2025.
Cụ thể, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo trình tự, thủ tục rút gọn dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Cùng với đó là dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội;
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) dự án Luật Phòng bệnh.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Đồng thời, điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) từ chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) sang chương trình cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) theo quy trình tại một kỳ họp.
Bên cạnh đó, điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân từ kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) sang kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Dân nguyện và Giám sát chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) để hoàn thiện dự thảo luật, đồng thời nghiên cứu, làm rõ về phạm vi sửa đổi (thay đổi từ sửa đổi, bổ sung một số điều thành sửa đổi toàn diện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân) để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bổ sung dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 29/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chương trình, trình Ủy ban Thường Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp tháng 7/2025…
Ngày 8/4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì cuộc họp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Hầu hết các thành viên tham gia cuộc thẩm định đều đề cập đến vấn đề cần xác định rõ mô hình tổ chức của trung tâm tài chính. Bởi theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ thành lập một trung tâm tài chính quốc tế, với hai địa điểm chính là TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Một số ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa hai địa điểm này, vai trò và định hướng phát triển riêng biệt của trung tâm tại từng địa phương. Bà Lê Thị Thùy Trang, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá, việc xây dựng 1 trung tâm tài chính tại 2 địa điểm là thay đổi hết sức cơ bản bởi lẽ có thể sẽ có 2 ủy ban điều hành trung tâm tài chính nhưng cơ quan quản lý điều hành là đơn vị bộ, ngành nào thì chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, các ủy ban điều hành này có được ban hành văn bản quy phạm pháp luật không cũng là vấn đề cần bàn. Bà Trang cũng đánh giá, dự thảo đang “mở” hết cỡ cho các thành viên trong trung tâm tài chính, đang đặt nặng quyền nhiều hơn là nghĩa vụ như đăng ký vào mà không cần dự án, không cần cấp giấy phép... Cơ chế giải quyết tranh chấp tại trung tâm tài chính cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập đến. Theo đó, dự thảo đề xuất thành lập một trung tâm trọng tài độc lập thuộc trung tâm tài chính để giải quyết các tranh chấp. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng về mô hình này, vì các trung tâm tài chính quốc tế lớn thường có tòa án chuyên biệt để giải quyết tranh chấp, chứ không chỉ dựa vào trọng tài. GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, về giải quyết tranh chấp, cần phải hướng tới cho trung tâm tài chính một phương thức giải quyết nhanh, hiệu quả bình đẳng và dân chủ nhất có thể. Từ đó, trung tâm tài chính mới có sức hút bởi nếu các tranh chấp, xung đột trong trung tâm tài chính mà bị vướng, không thoát ra được là ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Do đó, cần có các cơ chế giải quyết đặc thù. Theo GS Hạnh, các trung tâm tài chính khác sử dụng phương thức tranh chấp lựa chọn, dùng trọng tài là chính, còn trọng tài có nằm trong khu trung tâm tài chính hay không thì cần nghiên cứu thêm. Ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng nhà nước) cho biết, đối với hoạt động quản lý ngoại hối, về nguyên tắc thì Ngân hàng Nhà nước đang đang đề xuất theo hướng, các hoạt động của các thành viên trung tâm tài chính với nhau và hoạt động của thành viên trung tâm tài chính với phần còn lại của Việt Nam. Trong đó chấp nhận cho các thành viên trong trung tâm tài chính thực hiện theo khuôn khổ các thông lệ quốc tế, còn đối với trường hợp mà các thành viên trung tâm tài chính có các giao dịch với bên ngoài trung tâm thì cần rất thận trọng, có thể áp dụng các quy định hiện hành. Tại cuộc thẩm định, đại diện các bộ ngành, ngân hàng cũng đề cập đến vấn đề thành viên của trung tâm tài chính. Theo đó, nhiều đại biểu đặt vấn đề, quy định thành viên của trung tâm tài chính là các pháp nhân, tuy nhiên, có thể các quỹ tài chính, quỹ đầu tư, không có tư cách pháp nhân. Điều này được đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và đại diện nhóm công tác ngân hàng nước ngoài cùng đề cập đến. Theo đó, đại diện hai hiệp hội này cho rằng cần định nghĩa rõ ràng về thành viên tham gia trung tâm tài chính bởi nhiều chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam không có tư cách pháp nhân trong khi đó, ở các quốc gia mà các ngân hàng này hiện diện đều là thành viên của các trung tâm tài chính tại các quốc gia sở tại. Cụ thể, nếu Việt Nam quy định thành viên trung tâm tài chính là các pháp nhân thì hiện tại, có tới hơn 30 chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam không đủ điều kiện tham gia trung tâm tài chính. Ngoài ra, đại diện hai hiệp hội, nhóm ngân hàng này cũng đều cho rằng, nếu đặt yêu cầu vốn điều lệ với các ngân hàng chi nhánh, các quỹ đầu tư, doanh nghiệp có uy tín mới đủ điều kiện là thành viên trung tâm tài chính chưa phù hợp, do đó, cần mở rộng hơn quy định này với điều kiện yêu cầu “tổng tài sản” của các đơn vị này. Bà Nguyễn Mai Hương, đại diện Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cho rằng, Nghị quyết đang được viết dưới dạng thí điểm, đang đề cập đến việc thí điểm trong 5 năm, chính vì vậy, cần có một cơ chế giải quyết quyền lợi cho các chủ thể, để các nhà đầu tư an tâm khi đầu tư vào trung tâm tài chính. |