Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính với bản sắc riêng
Bộ Tài chính tính giảm thuế nhập khẩu hàng loạt mặt hàng Phó Thủ tướng sẽ công du Châu Âu tìm hiểu kinh nghiệm về trung tâm tài chính |
“Chúng tôi đang tính đến việc nghiên cứu xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế mang bản sắc riêng, tận dụng được lợi thế so sánh về kinh tế, xã hội và địa chính trị. Khác với mô hình truyền thống, chúng tôi ưu tiên ứng dụng công nghệ hiện đại ngay như fintech, blockchain, tài chính xanh...”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ ngày 28/3.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, đã ký 17 Hiệp định thương mại (FTA) với các đối tác trên thế giới, đây là cơ hội để Việt Nam phát triển các loại hình tài chính đặc thù “trade finance”.
Việt Nam cũng có điều kiện thuận lợi để xây dựng trung tâm tài chính dựa trên xuất khẩu hàng nông sản và các mặt hàng truyền thống; có thể xây dựng các sàn giao dịch hàng hoá dựa vào blockchain.
“Cần nghiên cứu để tạo sự khác biệt trung tâm tài chính của Việt Nam và cũng sẽ bổ trợ cho các trung tâm tài chính khác trong khu vực”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. |
Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, thế giới đang trải qua một kỷ nguyên nhiều biến động: Cạnh tranh địa chính trị, biến đổi khí hậu, khủng hoảng chuỗi cung ứng, dịch bệnh, xung đột vũ trang, kinh tế phân mảnh; bên cạnh đó là sự phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo AI, blockchain,… khiến trật tự tài chính toàn cầu không ngừng dịch chuyển.
Trong bối cảnh đó, các trung tâm tài chính toàn cầu cũng đang tái cấu trúc mạnh mẽ: từ việc đơn thuần cung cấp dịch vụ vốn, sang trở thành nơi hội tụ đổi mới sáng tạo, công nghệ tài chính (fintech), tài chính xanh và các sản phẩm đặc thù cho thị trường ngách.
Tại Châu Á – khu vực phát triển năng động nhất thế giới hiện nay đã xuất hiện và hình thành các trung tâm tài chính mới như Mumbai, Kuala Lumpur, Jakarta.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc. |
Việt Nam, với vị trí địa chính trị quan trọng, kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện đang đứng trước cơ hội vàng để tham gia và định vị vai trò, vị trí của mình trong chuỗi trung tâm tài chính toàn cầu.
Thứ nhất, Việt Nam được ghi nhận là điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới. Năm 2024: GDP đạt 7,09%, thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát dưới 4%; xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 786,29 tỷ USD; thu hút FDI hơn 38 tỷ USD – thuộc top 15 quốc gia hấp dẫn FDI nhất toàn cầu;...
Thứ hai, Việt Nam có một số lợi thế đặc thù để hình thành Trung tâm tài chính, đó là: Vị trí chiến lược quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, tâm điểm của khu vực Đông Nam Á; múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu, thuận lợi thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch; là một trong những thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính tương lai.
Thứ ba, những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh được đưa vào xếp hạng trong danh sách chính thức các trung tâm tài chính mới nổi toàn cầu; trong khi đó, TP Đà Nẵng cũng đang nổi lên là một trung tâm công nghệ – tài chính cấp vùng tiềm năng.
Theo Bộ trưởng, việc xây dựng trung tâm tài chính không phải là nội dung mới trên thế giới nhưng đối với Việt Nam đây là vấn đề mới và chưa có tiền lệ. Việt Nam sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để lỡ mất thời cơ.
“Với sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, sự hợp tác của cộng đồng quốc tế và các doanh nghiệp, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ xây dựng thành công trung tâm tài chính hiện đại và đẳng cấp quốc tế, đóng góp vào sự phát triển ổn định và bền vững của khu vực và toàn cầu”, Bộ trưởng chia sẻ.