Trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC trong trường học: Cần tránh bệnh hình thức
Sự mong mỏi của học sinh, sinh viên
Thời gian gần đây, tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Đáng chú ý, những căn chung cư mini hay khu nhà trọ tập thể đều chiếm phần lớn số lượng sinh viên sinh sống.
Đứng trước thực trạng này, PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã ghi nhận nhiều ý kiến của học sinh, sinh viên bày tỏ mong muốn nhà trường sẽ đưa các kĩ năng phòng cháy chữa cháy (PCCC) vào trong môi trường học tập.
Điều này nhằm giúp học sinh, sinh viên biết cách ứng phó và bảo vệ bản thân khi xảy ra cháy nổ cũng như việc giúp đỡ những người khác khi gặp hỏa hoạn.
Bạn Đinh Minh Hải (21 tuổi), sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng việc các nhà trường đưa kiến thức PCCC vào trong giảng dạy là rất cần thiết. Điều đó sẽ giúp chúng tôi có kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra hỏa hoạn”.
Đinh Minh Hải bày tỏ: “Tôi sẽ cảm thấy rất an tâm khi nhà trường đưa PCCC trong giảng dạy. Theo tôi, đây là một điều cần thiết" |
Minh Hải cũng chia sẻ thêm, khi nắm được những kỹ năng PCCC sẽ giúp mọi người có thể hạn chế tối đa thiệt hại, không để xảy ra những vụ việc thương tâm như vụ cháy ở Thanh Xuân (Hà Nội) vừa qua.
Bạn Trần Thị Phương Anh (15 tuổi), sống tại Đông Anh, Hà Nội bày tỏ: "Tôi mong rằng bên cạnh nội dung giáo dục trong chương trình học hiện tại, nhà trường sẽ có thêm những buổi ngoại khóa tập huấn kỹ năng PCCC cho học sinh".
Theo Phương Anh, các trường cần mời chuyên gia, cảnh sát PCCC đến tập huấn các kỹ năng phòng chống cháy nổ cho học sinh mỗi tháng khoảng 1 - 2 buổi. Điều này sẽ giúp học sinh không chỉ trau dồi thêm nhiều kiến thức về PCCC mà chính họ cũng sẽ trở thành tuyên truyền viên cho mọi người xung quanh.
Cần thiết nhưng không chạy theo hình thức
TS. Lê Văn Chung - Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự cho rằng, việc đưa giáo dục PCCC vào trong các trường học là rất cần thiết sau rất nhiều vụ cháy thương tâm vừa qua.
Theo TS. Lê Văn Chung, nhiều người lớn cũng chưa chắc đã am hiểu về các biện pháp PCCC, xử lý thoát nạn khi xảy ra cháy. Trong khi đó, nhận thức và phản ứng của học sinh, sinh viên còn kém hơn nhiều.
TS. Lê Văn Chung - Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự |
"Các bạn học sinh, sinh viên cần phải được hướng dẫn các kỹ năng PCCC, sơ cứu cho người bị nạn. Đây là lứa tuổi cần được trang bị kiến thức trước khi bước vào đời, va vấp với cuộc sống", TS. Lê Văn Chung chia sẻ.
Trên cơ sở đó, TS. Lê Văn Chung đề xuất cân nhắc đưa PCCC vào giảng dạy ngoại khóa ở các trường học để giúp các bạn học sinh, sinh viên nắm bắt được kỹ năng và xử lý tình huống khi xảy ra cháy.
Các cơ sở giáo dục cần dành thêm những buổi học kỹ năng PCCC cho học sinh, sinh viên. |
Cùng quan điểm trên, song TS. Lương Ngọc Vĩnh - Trưởng Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, các trường cũng phải có giải pháp triển khai hiệu quả.
Theo TS. Lương Ngọc Vĩnh, PCCC là kỹ năng mềm, trên thế giới và các trường quốc tế ở Việt Nam đã dạy từ lâu. Một số trường học công lập cũng đã đưa vào dạy ngoại khóa nên việc trang bị cho học sinh, sinh viên các kỹ năng này là rất cần thiết.
Tuy nhiên, TS. Lương Ngọc Vĩnh cũng cho rằng, cần cân nhắc phương thức tổ chức thực hiện làm sao cho hiệu quả để chống quá tải và bệnh hình thức.
"Nhà trường không phải là "cái túi" mà xã hội cứ có vấn đề gì lại đưa vào giảng dạy, bởi nhà trường sẽ gặp khó về giảng viên giảng dạy, thời gian cũng như kinh phí. Vì vậy có rất nhiều kênh để truyền thông về việc PCCC, không nhất thiết đưa vào chương trình cứng của các trường”, TS. Lương Ngọc Vĩnh nêu quan điểm.
Theo Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, có hiệu lực từ ngày 26/6/2022. Các cơ sở giáo dục phải dành thời lượng tổ chức các hoạt động bổ trợ, diễn tập về phòng cháy chữa cháy đối với trẻ em mầm non tối thiểu là 1 buổi/năm học; Đối với học sinh phổ thông, học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên tối thiểu là 2 buổi/năm học; Đối với sinh viên tối thiểu là 3 buổi/năm học. |