Thầy giáo trẻ viết cẩm nang ứng phó với hỏa hoạn cho học sinh

Nhằm trang bị kỹ năng thoát hiểm, phòng cháy chữa cháy cho học sinh, thầy giáo Đặng Vũ Hiệp đã dành nhiều tâm huyết để viết cuốn “Cẩm nang tuyên truyền PCCC, kỹ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn”.
Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện giải pháp PCCC trong học sinh, sinh viên BHYT học sinh, sinh viên đảm bảo tối đa quyền lợi của người tham gia Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên

Cách làm sáng tạo

Thầy Đặng Vũ Hiệp vốn là Tổng phụ trách trường Tiểu học Đoàn Kết (Long Biên, Hà Nội). Luôn đau đáu với việc trang bị nhiều kỹ năng sống cho học sinh, thầy đã sáng tạo và tìm tòi, nghiên cứu để tìm phương pháp giảng dạy tốt nhất cho các em. Đặc biệt, đối với kỹ năng thoát hiểm, phòng chống cháy nổ, thầy luôn tập trung trang bị cho học sinh những kĩ năng cần thiết, đầy đủ về phòng cháy chữa cháy (PCCC) thông qua trò chơi, các tình huống giả định để học sinh ghi nhớ và biết cách xử lí khi có hỏa hoạn. Từ đó, chính các em học sinh sẽ trở thành những tuyên truyền viên của gia đình mình.

Thầy giáo trẻ viết cẩm nang ứng phó với hỏa hoạn cho học sinh
Trường Tiểu học Đoàn Kết tổ chức tuyên truyền kĩ năng về PCCC, kĩ năng thoát hiểm thoát nạn cho học sinh.

Trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, thầy Đặng Vũ Hiệp chia sẻ: “Bản thân tôi đã bắt tay vào viết cuốn sách này cũng như xây dựng chương trình tuyên truyền về PCCC từ cách đây nhiều năm. Năm nào học sinh trong trường cũng đều được thụ hưởng thông qua 2 hoạt động chính, đó là: Tổ chức tuyên truyền giáo dục kiến thức và trang bị kĩ năng PCCC, thoát hiểm cho các em học sinh và hoạt động thứ 2 là sân chơi cuối tuần. Điều này giúp học sinh luôn được cập nhật thông tin, kiến thức về PCCC, từ đó các em sẽ hiểu và biết bảo vệ chính bản thân mình khi tình huống xảy ra".

Cũng theo chia sẻ của thầy Hiệp, là giáo viên Tổng phụ trách của trường nên thầy được sự ủng hộ, sự đầu tư của ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt là đồng chí Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường; Sự đồng hành của giáo viên chủ nhiệm, sự ủng hộ sự chia sẻ của cha mẹ phụ huynh. Đặc biệt, các em học sinh rất thích thú, hứng khởi trước những buổi tuyên truyền về PCCC. Vậy nên, mọi thứ trong công tác triển khai diễn ra hết sức thuận lợi.

Thầy giáo trẻ viết cẩm nang ứng phó với hỏa hoạn cho học sinh
Thầy Đặng Vũ Hiệp, Tổng phụ trách trường Tiểu học Đoàn Kết, Quận Long Biên, Hà Nội

Thầy Hiệp nhấn mạnh, để học sinh dễ dàng tiếp thu, phương pháp truyền đạt cần không mang tính hàn lâm hay nặng về lý thuyết. Vì vậy, trong mỗi buổi tuyên truyền về PCCC, thầy Đặng Vũ Hiệp đều cố gắng xây dựng bối cảnh chân thực nhất về một vụ hỏa hoạn, với các hiệu ứng âm thanh, hiệu ứng khói cho học sinh cảm nhận rõ được sự khốc liệt của một vụ cháy. Từ đó, buổi tuyên truyền sẽ trở nên hiệu quả và thiết thực hơn.

Lan tỏa những điều tốt đẹp

PCCC là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bởi an toàn PCCC liên quan mật thiết đến tính mạng, tài sản của tất cả mọi người. Thấu hiểu điều đó, thầy Hiệp mong muốn "Cẩm nang tuyên truyền PCCC, kỹ năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn" sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo biết đến và trở thành cuốn tài liệu tham khảo để không chỉ học sinh quận Long Biên, học sinh trên địa bàn TP Hà Nội, mà học sinh trên khắp mọi miền đất nước đều biết đến, từ đó lan tỏa những điều tốt đẹp, rèn luyện cho học sinh, sinh viên những kỹ năng cần thiết về PCCC.

Thầy giáo trẻ viết cẩm nang ứng phó với hỏa hoạn cho học sinh

"Tôi rất mong muốn sẽ có những buổi làm “điểm” để cho các đơn vị cũng như các nhà trường thấy được một chương trình PCCC cho học sinh sẽ mang đến hiệu quả thiết thực như thế nào. Việc triển khai không hề khó và rất an toàn.

Qua những buổi làm "điểm" như vậy, tôi cũng sẽ được lắng nghe những đóng góp của chuyên gia, của các thầy cô giáo, đồng nghiệp để từ đó hoàn thiện hơn các phương pháp tổ chức chương trình tuyên truyền về PCCC trong nhà trường. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu chung là chuẩn bị kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm cho học sinh. Thời gian tới, tôi cũng sẽ cố gắng, nỗ lực hơn nữa để có thể mang đến những kiến thức về PCCC một cách an toàn và hiệu quả. Tôi cũng hy vọng, không chỉ quận Long Biên mà 30 quận huyện sẽ có cơ hội được tiếp cận cuốn cẩm nang này 1 cách chính thống", thầy Hiệp nói.

Trước vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 4951/BGDĐT-GDCTHSSV gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm trên địa bàn TP. Hà Nội rà soát, nắm bắt thông tin về vụ cháy và thực hiện các giải pháp phòng cháy, chữa cháy trong học sinh sinh viên. Đồng thời, quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT ngày 11/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Các đơn vị chú trọng cung cấp cho học sinh, sinh viên các kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn, sơ cấp cứu người bị nạn khi xảy ra cháy, nổ và sự cố, tai nạn, kỹ năng sử dụng các phương tiện, thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có tại gia đình, nhà trường và khu vực công cộng.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động