Sinh viên tự trang bị kiến thức phòng cháy chữa cháy để cuộc sống an toàn

Trước những nguy cơ cháy nổ liên tiếp rình rập cuộc sống, sinh viên, người trẻ thuê trọ đã tự tìm hiểu, trang bị nhiều kỹ năng cần thiết cho mình.
Hàng loạt chung cư mini ở Thanh Xuân từng dính vi phạm phòng cháy chữa cháy

Phòng cháy hơn chữa cháy

Thời gian gần đây có nhiều vụ cháy thương tâm xảy ra, thay vì chờ đợi được hướng dẫn, tuyên truyền, nhiều bạn sinh viên đã tự mày mò, tìm hiểu trên mạng xã hội và chia sẻ nhau những clip hướng dẫn phòng chống cháy nổ và kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra hoả hoạn.

Rút các phích cắm là kiến thức cơ bản các bạn sinh viên đều biết để phòng chống cháy nổ
Rút các phích cắm điện khi không sử dụng là kiến thức cơ bản để phòng chống cháy nổ

Bạn Nguyễn Tuấn Hà, sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, sau khi vụ cháy ở quận Thanh Xuân xảy ra, Hà cùng các bạn ở khu trọ đã tự bảo nhau trang bị kiến thức về PCCC. “Ngoài viên trang bị các vật dụng phòng cháy, mình còn đọc thêm nhiều tài liệu và xem hướng dẫn về kỹ năng thoát hiểm. Bởi nơi mình ở cũng tiềm tàng nhiều khả năng cháy nổ. Bên cạnh đó, mình luôn ghi nhớ trong đầu các quy định phòng cháy của khu phố, khi đi ngủ hay ra khỏi nhà mình đều tắt các thiết bị điện, sạc phin điện thoại hay pin máy tính mình đều để xa nơi dễ bắt lửa như giường nằm và khi đầy rút phích cắm ra chứ không sạc qua đêm như mọi khi”.

Hà cũng cho rằng, trên hết phải thực hiện đúng các quy định về phòng cháy được đề ra. Khi có hỏa hoạn xảy ra, cần tìm lối thoát hiểm gần nhất, sử dụng vải thấm nước để tránh bị ngộ độc khí, báo cho cơ quan chức năng...

Hà thuật lại những kỹ năng mình đã tìm hiểu được để tự đảm bảo an toàn cho mình. Cụ thể: “Đầu tiên, phải giữ bình tĩnh để tìm ra phương hướng, lối đi an toàn khi xảy ra đám cháy. Thứ hai, di chuyển sát mặt đất, như vậy sẽ giảm thiểu khả năng bị ngộ độc hay ngạt khói, cùng với đó là sử dụng khăn ướt bịt lên mũi, miệng để ngăn khói độc đi vào cơ thể. Thứ ba, không sử dụng thang máy, vì khi có cháy thang máy có thể bị dừng lại bất cứ khi nào, thay vào đó sử dụng thang bộ hay lối thoát hiểm sẽ an toàn hơn. Cuối cùng, tuân theo sự chỉ dẫn của lực lượng PCCC”.

Tự trang bị kỹ năng cơ bản

Nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn ở mọi thiết bị, vì vậy cần lưu ý đảm bảo an toàn ở mọi lúc mọi nơi
Nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn ở mọi thiết bị, vì vậy các bạn sinh viên cần lưu ý kiểm tra thường xuyên

Còn bạn Nguyễn Văn Việt, sinh viên trường Đại học Ngoại thương đã tự tìm hiểu về cách phòng cháy cơ bản liên quan tới các thiết bị, đồ dùng trong phòng. “Đối với phòng cháy, mình kiểm tra khóa ga trước khi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ. Sau khi sử dụng xong, mình thường khóa van ga lại để đảm bảo an toàn.

Còn các công tắc điện trong phòng, mình đã hỏi bác chủ trọ thật rõ ràng và nắm được vị trí cầu giao tổng là ở đâu. Khi đi ra ngoài, mình cũng thường xuyên kiểm tra tất cả các phích cắm, công tắc điện trong phòng đã được tắt chưa, rút hết chưa.

Đối với vấn đề chữa cháy, Việt chia sẻ, sau khi tìm hiểu và xem hướng dẫn trên mạng, Việt đã biết cách sử dụng bình chữa cháy. Bên cạnh đó, Việt cũng đã được trang bị những kiến thức bản khi xảy ra cháy như khi cháy điện thì tắt cầu dao đầu tiên, cháy xe thì dùng cát đắp vào hoặc thẩm nước vào vải to đắp lên, cháy lửa thì tốt nhất vẫn dùng nước, bình cứu hoả và vải thấm nước.

Là một sinh viên, đang sinh sống tại địa bàn đông đúc, có mật độ dân cư cao, Việt còn cho biết, bản thân rất quan tâm, tìm hiểu về Luật Phòng cháy chữa cháy trong các khu trọ. Việt đã tìm hiểu về quy định về thoát nạn trong PCCC được đề cập tại QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình ban hành kèm theo Thông tư 02/2021/TT-BXD. Đối với khu trọ của Việt, chàng trai nhớ và nắm rất rõ quy định về lối thoát hiểm trong nhà trên 7 tầng (số tầng nơi Việt đang trọ).

Hiện tại, khu trọ của Việt chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy cần thiết. Việt cho biết, mình và những sinh viên khác trong khu trọ phải tự chuẩn bị mặt nạ chống độc. Đồng thời, trong phòng, Việt và các bạn cũng đặt quy định rõ ràng về phòng cháy, đảm bảo an toàn cháy: “Phải tự chịu toàn bộ trách nhiệm khi cháy nổ thực sự. Khóa bếp ga, rút máy sấy, tắt bình nước nóng đầy đủ. Nếu ai vi phạm sẽ phải đóng phạt, không khóa bếp ga là 30 nghìn/ lần, không rút máy sấy, tắt bình nước nóng là 10 nghìn/lần”, Việt cho biết thêm.

An toàn từ những nhận thức tới hành động

Để đảm bảo an toàn cho mình, trước tiên, các bạn sinh viên thường lựa chọn cách tra cứu thông tin trên mạng xã hội
Để đảm bảo an toàn cho mình, các bạn sinh viên thường tra cứu, học tập từ thông tin trên mạng xã hội

Theo TS Đặng Xuân Trọng, chuyên gia về lĩnh vực an toàn, việc trang bị những kỹ năng sinh tồn như kỹ năng thoát hiểm, PCCC hiện nay thật sự chưa được sự quan tâm đúng mức. Chúng ta thường chỉ quan tâm khi sự cố đã xảy ra và các giải pháp đều mang tính "khắc phục hậu quả"… Thậm chí nhiều sự cố "đã được dự báo trước" nhưng sự quan tâm của cả xã hội và người dân vẫn còn chủ quan, xem thường mặc dù các quy định của Luật pháp cũng đã được ban hành, điều chỉnh, rà soát bổ sung, kể cả những chế tài xử lý.

Cũng theo TS Đặng Xuân Trọng, phải làm sao cho mỗi người dân hiểu, nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình để phòng cháy trở thành thói quen, thành ý thức tự giác cũng như xây dựng mỗi hộ gia đình, mỗi cộng đồng dân cư là một khu vực văn hoá an toàn trong phòng cháy…

Sinh viên ngày càng quan tâm tới việc trang bị kiến thức về phòng cháy chữa cháy
Sinh viên tự trang bị kiến thức về phòng cháy chữa cháy

“Giải pháp phòng cháy hiệu quả nhất chính là ngay từ khi thiết kế công trình, nhà ở mỗi người dân cần phải tìm hiểu, nghiên cứu rõ quy định của pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC để chủ động có giải pháp cho gia đình và người thân đảm bảo an toàn trong PCCC”, TS. Đặng Xuân Trọng nhấn mạnh.

Đình Trung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động