Tổng Giám đốc EVN: Cắt giảm điện tái tạo là không mong muốn

Ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, việc tiết giảm nguồn năng lượng tái tạo cũng như các loại nguồn khác trong thời gian qua là tình trạng khách quan, không mong muốn.
Lo thừa điện, EVN sẽ tiếp tục cắt giảm điện tái tạo

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có buổi làm việc với các chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng, chuyên gia môi trường về tình hình vận hành hệ thống điện năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Câu chuyện cắt giảm nguồn năng lượng tái tạo là một trong những vấn đề được tập trung trao đổi tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN khẳng định, việc tiết giảm nguồn năng lượng tái tạo cũng như các loại nguồn khác trong thời gian qua là tình trạng khách quan, không mong muốn.

"Là doanh nghiệp Nhà nước được giao vai trò trọng yếu trong việc đảm bảo điện cho quốc gia, EVN sẽ nỗ lực tối đa để đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, tin cậy và liên tục", ông Nhân nói.

Ông Nhân cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp sử dụng điện, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động điện lực. "EVN sẽ luôn lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý với tình thần cầu thị", ông Nhân nói thêm.

Tổng Giám đốc EVN: Cắt giảm điện tái tạo là không mong muốn
Ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN thông tin tại buổi làm việc. Ảnh: EVN.

Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Ninh – Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (NLDC) cho biết, vấn đề nguồn năng lượng tái tạo tăng cao trong thời gian qua đã gây khó khăn cho việc duy trì sự ổn định trong vận hành hệ thống điện.

Theo ông Ninh, dù nguồn năng lượng tái tạo đến hết năm 2020 đạt gần 20.000MW, chiếm tỉ trọng công suất khoảng 30% toàn hệ thống điện nhưng sản lượng lại chỉ chiếm khoảng 12% toàn hệ thống.

Ông Ninh cho rằng, để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia trong bối cảnh nguồn cung năng lượng tái tạo lớn, trong khi nhu cầu tiêu dùng điện thấp thì việc huy động nguồn được thực hiện theo thứ tự ưu tiên các nhà máy điện đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật (điện áp, ổn định, quán tính, dự phòng điều tần, công suất cao điểm) rồi đến các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời, sinh khối, thủy điện nhỏ và vừa, thủy điện lớn đang xả) rồi mới đến các nguồn điện còn lại.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã buộc phải cắt giảm gần 470 triệu kWh điện năng lượng tái tạo (trong đó, đã cắt giảm 447,5 triệu kWh điện mặt trời trang trại, chiếm 13,3% khả năng phát của các nhà máy điện mặt trời và cắt giảm 19,7 triệu kWh điện gió, chiếm khoảng 4,8% khả năng phát của các nhà máy điện gió).

Không những vậy, dự kiến trong năm 2021 sẽ cắt giảm khoảng 1,68 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo (trong đó, sẽ cắt giảm 1,25 tỷ kWh điện mặt trời trang trại, chiếm khoảng 9% khả năng phát của các nhà máy điện mặt trời và cắt giảm khoảng 430 triệu kWh điện gió, chiếm khoảng 7% khả năng phát của các nhà máy điện gió).

Cũng theo ông Ninh, các nguồn năng lượng tái tạo phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc như: Dự báo công suất phát điện mặt trời, điện gió có sai số lớn do đặc tính bất ổn định của loại nguồn này, hay phụ tải chênh lệch giữa giờ cao điểm và thấp điểm lớn, hoặc nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên huy động nhưng Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia vẫn phải đảm bảo vận hành thị trường điện...

Hậu Lộc
Phiên bản di động