Tôn sư trọng đạo – Một giá trị sống mãi với thời gian

Tháng 11, những cơn gió se lạnh đầu đông ùa về cũng là lúc lòng người lắng lại để nghĩ về thầy cô – những người đã âm thầm dẫn dắt biết bao thế hệ học trò bước qua những ngã rẽ của cuộc đời. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 không chỉ là dịp để tri ân, mà còn là lời nhắc nhở về một giá trị đã trở thành gốc rễ của văn hóa dân tộc – tôn sư trọng đạo.
Từ việc cô giáo Ngữ Văn bị xúc phạm trên mạng, nghĩ về truyền thống tôn sư trọng đạo Tôn sư trọng đạo - truyền thống văn hóa quý báu của người Hà Nội

Nếu ngày xưa, người thầy là biểu tượng của tri thức, đạo đức và được kính trọng như cha mẹ thứ hai, thì trong xã hội hiện đại, vai trò ấy không hề giảm bớt mà càng trở nên đa dạng hơn. Thầy cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người đồng hành, lắng nghe và sẻ chia với những khó khăn của học trò.

Xúc động trước những tấm gương người thầy

Có lẽ không ai không ấn tượng với thầy Nguyễn Xuân Khang – người học trò nghèo ngày xưa giờ đây đã trở thành "ông nội" của hàng ngàn học sinh Trường Marie Curie (Hà Nội). Câu chuyện về thầy không chỉ gói gọn trong giảng đường mà lan tỏa ra cả xã hội, trở thành biểu tượng của một người thầy tận tụy, giàu lòng nhân ái.

Tôn sư trọng đạo – Một giá trị sống mãi với thời gian
Nhà giáo, "ông nội" của các học sinh trường Marie Curie - Thầy Nguyễn Xuân Khang

Hành trình của thầy Khang bắt đầu từ những năm tháng khốn khó. Thầy từng nghèo đến mức chỉ có một bộ quần áo lành lặn để lên lớp. Nhưng chính trong cái nghèo ấy, tình yêu thương của thầy dành cho học trò lại càng thêm sâu đậm. Đến nay, khi đã trở thành hiệu trưởng của một ngôi trường danh tiếng, thầy vẫn giữ vững tâm niệm ấy.

Thầy không chỉ dừng lại ở việc dạy chữ, mà còn khởi xướng nhiều dự án lớn để giúp đỡ học sinh vùng cao. Từ việc xây dựng trường bán trú tại Mèo Vạc (Hà Giang) với kinh phí 100 tỷ đồng, đến dạy tiếng Anh trực tuyến cho hơn 26.000 học sinh, hay nhận nuôi những em nhỏ mất cha mẹ sau trận lũ quét ở Lào Cai – tất cả đều xuất phát từ tấm lòng chân thành của một người thầy. Thầy từng nói: "Thầy không có danh hiệu, không giải thưởng, nhưng thầy tự hào là một nhà giáo của Nhân dân".

Tôn sư trọng đạo – Một giá trị sống mãi với thời gian
Suốt những năm tận tụy với nghề, thầy Khang luôn là tấm gương sáng để học trò noi theo, là nguồn động viên tinh thần to lớn cho từng học sinh tại trường Marie Curie

Nếu thầy Khang làm ta ngưỡng mộ bởi tầm vóc lớn lao của những hành động, thì câu chuyện của cô Ngô Thúy Trình – một cô giáo dạy Văn đã nghỉ hưu ở tuổi 74 – lại chạm đến trái tim bởi sự giản dị mà sáng tạo. Không còn đứng trên bục giảng, nhưng tình yêu nghề chưa bao giờ tắt trong cô. Thay vì hoài niệm, cô chọn cách học hỏi và tiếp cận công nghệ, biến TikTok thành lớp học đặc biệt, nơi cô giảng bài về “Truyện Kiều,” “Người lái đò sông Đà” một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu.

Tôn sư trọng đạo – Một giá trị sống mãi với thời gian
Cô giáo Ngô Thúy Trình chuẩn bị cho bài giảng online

Cô tâm sự: “Tôi tin rằng, nếu mình làm điều có ích, ông trời sẽ ban cho sức khỏe và trí óc minh mẫn. Truyền cảm hứng là điều quan trọng nhất, vì học trò chỉ thực sự yêu môn Văn khi chúng tìm thấy niềm vui trong việc học”. Những bài giảng của cô không chỉ là kiến thức mà còn là ngọn lửa nhỏ sưởi ấm tâm hồn học trò, giúp các em nhận ra rằng văn chương không khô khan, mà chính là cuộc đời ở những khía cạnh đẹp nhất.

Tôn sư trọng đạo – Một giá trị sống mãi với thời gian
Cô Trình chấm bài rất cẩn thận từ con chữ, cách hành văn và ý tưởng bài viết. Học sinh được cô dạy đều nhận xét "dễ hiểu", "gần gũi", "thiết thực"

Tôn sư trọng đạo - Bài học đầu đời về lòng biết ơn

Ngày nay, khi nhịp sống hiện đại khiến mọi thứ trở nên nhanh hơn, giá trị của nghề giáo cũng đứng trước nhiều thách thức. Học trò không còn cúi lạy thầy như trong xã hội xưa, nhưng lòng kính trọng dành cho thầy cô vẫn âm thầm hiện diện. Đó có thể là sự lắng nghe trong từng giờ học, là những bó hoa nhỏ tặng cô giáo ngày 20/11, hay là những dòng tin nhắn cảm ơn giản dị nhưng chân thành.

Tôn sư trọng đạo thời nay còn được thể hiện qua sự tương tác hai chiều giữa thầy và trò. Thầy cô không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn phải lắng nghe, thích nghi với tâm lý học trò. Giữa vòng xoáy công nghệ, nhiều thầy cô như cô Trình đã tìm cách học hỏi để hiểu hơn về thế hệ trẻ, để có thể trở thành người bạn đồng hành thực sự của học sinh.

Tôn sư trọng đạo – Một giá trị sống mãi với thời gian
20/11 xin đừng quên tri ân tới tấm lòng những thầy cô giáo vùng cao, những người ngày ngày lặn lội "cõng chữ" lên non, chắp cánh tương lai cho hàng nghìn em thơ

Thầy Nguyễn Xuân Khang và cô Ngô Thúy Trình là hai ví dụ tiêu biểu, nhưng cũng là hình ảnh đại diện cho hàng ngàn thầy cô trên khắp đất nước. Họ là những người âm thầm đóng góp, không mong cầu sự công nhận, chỉ mong học trò của mình trưởng thành.

Tháng 11 không chỉ là thời điểm để tặng thầy cô những bó hoa hay những món quà, mà còn là lúc để mỗi chúng ta nhớ về bài học lớn nhất mà thầy cô đã dạy: Bài học về lòng nhân ái, về sự tận tâm, về cách sống tử tế. Những bài giảng có thể mờ dần theo thời gian, nhưng tấm lòng của người thầy thì mãi sáng trong lòng bao thế hệ học trò.

Khi ta nghĩ về thầy cô, có lẽ không phải là những tấm bảng đen hay bài kiểm tra, mà là ánh mắt kiên nhẫn, là nụ cười động viên, là những câu nói giản dị nhưng theo ta suốt cả cuộc đời. Tôn sư trọng đạo – không chỉ để nhắc ta tri ân thầy cô, mà còn để nhắc chúng ta sống xứng đáng với những gì đã được truyền dạy.

Tùng Linh
Phiên bản di động