Nỗ lực giữ nghề truyền thống tò he
Nghệ nhân trẻ nặn tò he: Chỉ cần đam mê, ắt có tiền mua xe, mua nhà |
“Hồi tôi mới làm nghề, hầu hết mọi người đều nặn sẵn tò he rồi gánh đi bán tại các chợ cách nhà vài chục cây số, bởi bán gần nhà thì chẳng ai mua. Lúc đó, chúng tôi chưa được cấp phép bán tại trung tâm Hà Nội”, ông Nguyễn Văn Định, nghệ nhân đã gắn bó hơn 50 năm với nghề nặn tò he tại làng Xuân La thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Nội, hồi tưởng lại.
Làng nghề tò he duy nhất còn trụ lại
Xuân La là làng nghề tò he duy nhất ở Hà Nội còn tồn tại cho tới nay.
Theo các nghệ nhân cao niên trong làng, nghề này ra đời cách đây khoảng 400 - 500 năm, xuất phát từ nhu cầu kiếm thêm thu nhập. Mang theo chiếc hộp gỗ đựng bột và những que tre dài, các nghệ nhân làng Xuân La từng rong ruổi khắp nơi và nặn ngay tại chỗ cho khách hàng từ các nhân vật đến con thú hay đồ vật với mọi hình hài mà họ mong muốn.
Ông Nguyễn Văn Định - Người đã gắn bó hơn 50 năm với nghề nặn tò he. |
Mỗi que tò he chỉ mất chừng 3 - 5 phút để hoàn thành, nhưng đằng sau đó là quá trình dài chuẩn bị về cả nguyên liệu lẫn kỹ năng. Bột nặn được trộn từ bột gạo nếp và tẻ theo tỷ lệ 1:10, nhào kỹ đến khi không dính tay mới chia thành từng nắm nhỏ đem luộc, cuối cùng là khâu nhuộm bột.
Về kỹ năng, nghề nặn tò he chắc chắn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, chính xác trong từng chi tiết. Bên cạnh đó, người nghệ nhân còn phải sáng tạo, có trí tưởng tượng tức thời mới đáp ứng được yêu cầu tại chỗ cho khách.
Một thời, trẻ em Việt Nam từng yêu thích những hình thù bắt mắt trên chiếc que tre, ngắm nhìn người nghệ nhân thoăn thoắt nặn bột. Nhưng theo thời gian, tò he dần trở nên kém hấp dẫn khi trẻ em ngày càng nhiều lựa chọn.
“Tôi có một đứa con 6 tuổi. Khi dẫn cháu lên bờ hồ và hỏi có thích tò he không để mua, cháu tỏ ra không thích lắm”, anh Nguyễn Quang Đăng, một phụ huynh tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ.
“Các mặt hàng truyền thống như tò he hay đồ thủ công không được quan tâm nhiều lắm”, Khánh Huyền, một tình nguyện viên Đoàn Thanh niên nêu cảm nhận tương tự anh Đăng.
Sự thờ ơ của khách hàng đồng nghĩa với gánh nặng thu nhập của người bán. Nghệ nhân Nguyễn Văn Định thừa nhận từ khi đồ chơi hiện đại và các thiết bị điện tử ngày càng phổ biến, nhiều người làm tò he ở Xuân La đã bỏ nghề vì không thể trụ nổi.
“Những năm trước đây, khi lúa mất mùa, cả làng đều đi nặn tò he để kiếm sống. Thế nhưng bây giờ, làng chỉ còn khoảng vài trăm nghệ nhân còn làm nghề”, ông Định ngậm ngùi.
Mỗi que tò he lại có một hình thù độc đáo khác nhau. |
Một trong những khó khăn lớn nhất mà các nghệ nhân tò he còn trụ lại với nghề phải đối mặt là địa điểm bán. Khác với những đồ chơi khác, tò he được mua trực tiếp tại chỗ làm thay vì sản xuất hàng loạt rồi bày bán trong các cửa hàng.
Cơ hội mới mở ra khi phố đi bộ Hồ Gươm xuất hiện. Mặc dù thưa thớt người ghé mua, những sạp tò he rực rỡ một góc phố này là thành quả lớn trong nỗ lực giữ lại một nét văn hóa dân gian đang dần mai một.
“Chúng tôi đã mất khoảng 3 - 4 năm để làm thủ tục hồ sơ cấp thẻ bán hàng tại phố đi bộ. Trên thực tế, để cấp được thẻ, chúng tôi đã phải cố gắng hơn 50 năm”, ông Định nói.
Để nghề truyền thống "không vang bóng"
Câu lạc bộ nghệ nhân tò he Xuân La ra đời hồi năm 2009 đánh dấu quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống của làng nghề tò he duy nhất còn tồn tại. Những buổi biểu diễn tại các sự kiện văn hóa quốc tế, lễ hội, triển lãm, cùng hoạt động dẫn khách du lịch tham quan làng nghề là minh chứng cho nỗ lực của các nghệ nhân.
“Tôi không thể nào quên chuyến đi Nhật Bản năm 2012. Đó là cảm giác vô cùng tự hào và xúc động khi được mang nét đẹp văn hoá truyền thống của quê hương biểu diễn tại một nước lớn như vậy”, ông Nguyễn Văn Định kể lại.
Ông Nguyễn Văn Định giảng dạy môn nặn tò he tại một trường học. |
Bên cạnh hoạt động biểu diễn, các nghệ nhân còn liên kết giảng dạy môn nghệ thuật nặn tò he tại các trường học ở nhiều địa phương thuộc Hà Nội, xa hơn nữa là Quảng Ninh, Lạng Sơn, đồng thời phối hợp tổ chức những workshop nặn tò he tại một số trường như Đại học Văn hóa Hà Nội, Học viện Phụ nữ.
Ngoài việc quảng bá, những người nghệ nhân tâm huyết còn nghĩ cách để thời gian bảo quản tò he được lâu hơn. Bởi lẽ, tò he truyền thống chỉ giữ được trong khoảng một tháng nên họ đã nghiên cứu ra những loại bột khác để tò he giữ được độ bền.
Một vấn đề khác là hình thù tò he không có khuôn mẫu nhất định mà phụ thuộc vào sáng tạo riêng của mỗi nghệ nhân, nên khó sản xuất hàng loạt. Do đó, ông Định cùng các đồng nghiệp đang tìm phương pháp xây dựng những khuôn mẫu riêng để làm tò he theo dây chuyền.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tại, nỗ lực gìn giữ và phát triển tò he của những người nghệ nhân và các tổ chức chưa phát huy hiệu quả. Hình ảnh những sạp hàng rực rỡ sắc màu vẫn ế ẩm, vắng bóng khách mua phản ánh rõ ràng sự yếu thế của tò he so với những sản phẩm dành cho trẻ em khác hiện nay.
Sạp tò he trên phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm |
Có thể nói rằng nếu không có những biện pháp mới thiết thực, hiện đại và phù hợp xu thế hơn từ giới chuyên gia, làng nghề tò he duy nhất còn sót lại khó tránh khỏi nguy cơ lụi tàn, và những con giống bột có thể một ngày nào đó sẽ chỉ còn nằm trong ký ức của người Việt.
“Thú thật, tôi không để ý đến tò he nhiều lắm. Nhưng thi thoảng đi qua mấy sạp hàng vắng tanh, bỗng nhiên tôi cũng chạnh lòng. Nghĩ đến viễn cảnh thứ đồ chơi này không còn tồn tại, tôi thực sự cảm thấy tiếc nuối”, Thùy Dương, một bạn trẻ đang sinh sống và làm việc tại quận Tây Hồ chia sẻ.