Tín dụng rót vào bất động sản, chứng khoán chưa phải là quá cao nhưng vẫn phải giám sát

Bất động sản, chứng khoán tiềm ẩn rủi ro nên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát dòng tín dụng rót vào các lĩnh vực trên.
Hàng loạt cá nhân bị phạt vi phạm chứng khoán Tiền “chảy” vào chứng khoán tăng cao trong quý đầu năm

Tại cuộc họp báo chiều 22/4, ông Nguyễn Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến 16/4/2021, tín dụng đã tăng trưởng 3,34% so với cuối năm 2020.

Trong đó, tăng trưởng tín dụng bất động sản sau 3 tháng đầu năm 2021 là 3%, dù cao hơn năm 2020 do bị ảnh hưởng COVID-19 nhưng vẫn thấp hơn những năm trước đó.

Trong khi đó, tổng dư nợ cho vay chứng khoán hiện là 45.300 tỷ đồng. Theo ông Tuấn Anh, so sánh với quy mô tổng dư nợ 9,5 triệu tỷ đồng thì mức cho vay chứng khoán này không phải quá cao.

Tuy nhiên, cả chứng khoán và bất động sản đều là lĩnh tiềm ẩn nhiều rủi ro nên Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ tăng cường chỉ đạo giám sát để siết chặt.

Tín dụng rót vào bất động sản, chứng khoán chưa phải là quá cao nhưng vẫn phải giám sát
Ảnh minh họa.

Trước đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 17/4, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng các công cụ để kiểm soát rủi ro vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản như giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện nay là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ...

Kết quả cho thấy, tốc độ tăng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng chậm lại, dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng chung. Tỷ trọng đầu tư của các tổ chức tín dụng vào trái phiếu doanh nghiệp cũng chiếm tỷ trọng nhỏ và trên thực tế được kiểm soát như đối với khoản cấp tín dụng.

Tuy nhiên để phòng ngừa rủi ro phát sinh đối với hệ thống, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tập trung quản trị, kiểm soát rủi ro trong mọi mặt hoạt động, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay để đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích...

Về triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tính đến 5/4/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ 357 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi từ 21/1/2020 tới nay là 2,16 triệu tỷ đồng với hơn 456 nghìn khách hàng được vay.

Về gói hỗ trợ cho vay người sử dụng lao động để trả nợ lương ngừng việc, đến 31/1/2021 tổng cộng có 42,9 nghìn tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước giải ngân và Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành với dư nợ gần 42 nghìn tỷ đồng.

Hậu Lộc
Phiên bản di động