Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu “hộ chiếu vaccine”, từng bước mở lại đường bay quốc tế
Doanh nhân “trải lòng” với Thủ tướng - Vì Việt Nam hùng cường Thủ tướng kỳ vọng sẽ có các tập đoàn “khổng lồ” mang tên Việt Nam |
Sáng 17/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các địa phương.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá, đối với dịch COVID-19, chúng ta đã nhận diện chính xác mức độ nguy hiểm của dịch và đã sớm kích hoạt hệ thống phòng bệnh quốc gia kịp thời, đưa ra giải pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh và thực lực của đất nước.
Theo người đứng đầu Chính phủ, dịch bệnh thế giới suy giảm, tiêm chủng được triển khai trên diện rộng tại nhiều quốc gia và đang được triển khai khẩn trương tại nước ta theo lộ trình. Tuy nhiên, chủng virus mới nguy hiểm hơn đã xuất hiện, nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực, không trừ tỉnh nào, đơn vị nào, công dân nào.
Thủ tướng nhấn mạnh, nếu chúng ta lơ là, chủ quan, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Đồng thời chúng ta quyết tâm tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo vệ sức khỏe của người dân, đưa cuộc sống trở lại bình thường để phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu |
Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo các hoạt động kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Gói an sinh xã hội thứ hai đối với những doanh nghiệp khó khăn, những người dân bị thiệt hại vẫn tiếp tục đặt ra trong giai đoạn tới.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phù hợp về tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư trong thời gian tới để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với COVID-19.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có sự kiểm soát.
Trong một cuộc tọa đàm hồi đầu tháng 3/2021, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết sẽ xem xét từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế chứ không mở cửa ồ ạt.
Theo bà Hương, chương trình mở cửa từng bước với du lịch quốc tế sẽ xét những tiêu chí lựa chọn thị trường nguồn, đảm bảo lượng khách đông, đi tour trọn gói, có cam kết về tiêm vaccine, cách ly.
Bên cạnh đó, việc mở cửa du dịch quốc tế phải tính toán đến việc điểm đến phải thuận tiện với hàng không. Các khu du lịch nghỉ dưỡng phải có phạm vi độc lập, cung cấp nhiều dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách, khu nghỉ dưỡng.
"Dù mở cửa nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn'', bà Nguyễn Thị Thanh Hương khẳng định.
Trước đó, báo chí có bài phản ánh dẫn ý kiến của chuyên gia cho rằng, Việt Nam không nên đợi hết dịch mới đón du khách quốc tế.
Trong đó, nhiều người lo ngại việc đón khách quốc tế dù đã tiêm vaccine mang đến rủi ro quá lớn. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), việc mở cửa cho nhóm khách này là điều cần thiết để nâng cao vị thế của du lịch nước nhà.
Ông khuyến nghị, việc mở cửa cho khách du lịch có chứng chỉ tiêm vaccine COVID-19 là cần thiết để nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam. Hộ chiếu vaccine có thể là tiền đề để Việt Nam đuổi kịp đối thủ. Tuy nhiên, việc đưa tấm hộ chiếu này vào thực tiễn còn khá nhiều trở ngại, đặc biệt là về cơ sở pháp lý và công nghệ.
Về việc này, ngày 5/3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp.