Thủ tướng kỳ vọng sẽ có các tập đoàn “khổng lồ” mang tên Việt Nam

Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ niềm tin cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh đồng nghĩa với một Việt Nam lớn mạnh và phát triển bền vững trong thời gian tới.
Kinh tế số - cơ hội "bứt phá"cho Việt Nam Cảnh báo doanh nghiệp Việt tránh bẫy lừa đảo tại UAE

Theo Cổng thông tin Chính phủ, ngày 6/3, tại TP HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045”.

Tại buổi đối thoại, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, Việt Nam rất cần những doanh nghiệp lớn mạnh, có sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu, đặc biệt có nguồn nhân lực xuất sắc để đảm đang những công việc lớn của đất nước.

"Chúng ta cần giải phóng mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, tổng động viên mọi sức mạnh còn tiềm ẩn trong khoảng 100 triệu dân người Việt Nam, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài", ông Phúc nói.

Thủ tướng cho rằng, chúng ta thống nhất doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn.

Theo Thủ tướng, ngày nay, mục tiêu của doanh nghiệp nếu vẫn được định nghĩa là tốt đa hóa lợi nhuận thì sẽ lạc hậu, mục tiêu của doanh nghiệp không thể chỉ đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận cho cổ đông mà phải sáng tạo giá trị cho xã hội, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước.

Thủ tướng kỳ vọng sẽ có các tập đoàn “khổng lồ” mang tên Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng nêu rõ, các doanh nghiệp cần yêu Tổ quốc, đoàn kết, không nản chí, năng động, quyết đoán, có niềm tin vì không có niềm tin là tự mình chối bỏ thành quả của mình.

Nhắc lại một số kết quả tích cực Việt Nam đã đạt được thời gian qua, song lãnh đạo Chính phủ cũng nhìn nhận nước ta còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.

Trong đó, lãnh đạo Chính phủ cho rằng, thu nhập bình quân đầu người còn kém, các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững chưa vững chắc; tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra chậm; quản trị quốc gia, quản trị thành phố lớn còn nhiều vấn đề và thách thức ngày càng lớn hơn từ thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, ô nhiễm môi trường...

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành và địa phương cần thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động của cả hệ thống chính trị trong triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển doanh nghiệp theo tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là sớm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII mới đây của Đảng.

Đồng thời, các bộ ngành và địa phương cần tiếp tục thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là các Bộ trưởng, cam kết bảo đảm sự ổn định của kinh tế vĩ mô và minh bạch hóa chính sách; các bộ, ngành, địa phương phải mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội tham gia của doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải bảo đảm thực thi chính sách minh bạch, hiệu quả; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp; thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của kinh tế tư nhân; không biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân thành bao cấp, phục vụ “lợi ích nhóm” dưới mọi hình thức.

''Chúng ta hãy chung tay làm cho Việt Nam trở nên thành công hơn nữa, nơi mà trí thức, tài năng nào cũng có cơ hội được cống hiến, phụng sự; có nhiều doanh nghiệp vươn lên trở thành tập đoàn toàn cầu", Thủ tướng nhấn mạnh.

Văn Huy
Phiên bản di động