Thu nhập cao, nhiều người trẻ vẫn không hạnh phúc

Dù có nguồn thu nhập ổn định, nhiều người trẻ vẫn đang cảm thấy không hạnh phúc. Lý do được họ đưa ra là vì công việc hiện tại chưa phù hợp, môi trường không thoải mái hay mong muốn được ra đi để có cơ hội để thử thách bản thân...
Người trẻ thích làm mọi thứ một mình Người trẻ sợ làm việc "multitask" Người trẻ “thờ ơ” với việc hẹn hò

Áp lực từ công việc

Ngay vừa khi kết thúc deadline vào cuối tháng 6 vừa qua, Thu Hà (25 tuổi, sống tại quận Long Biên, Hà Nội) liền viết đơn xin nghỉ việc. Dù thu nhập dao động ở mức 15 - 18 triệu đồng/tháng song cô gái trẻ vẫn muốn tìm kiếm cơ hội việc làm ở nơi khác.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi chuyên ngành quan hệ công chúng, Thu Hà nộp đơn xin làm việc tại một công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông số. Từ cộng tác trở thành nhân viên chính thức được ký hợp đồng, cô gái 25 tuổi đã mất gần 2 năm kiên trì, cố gắng.

Thu nhập cao, nhiều người trẻ vẫn không hạnh phúc
Thu Hà cảm thấy không hạnh phúc khi làm việc tại công ty cũ.

Chia sẻ về quyết định của mình, Thu Hà cho biết, công việc hiện tại đối với cô là rất áp lực và hơn hết, cô gái trẻ không còn tìm thấy niềm vui khi đi làm.

Từ ngày ra trường, trừ các ngày lễ, Tết, Thu Hà gần như không có một kỳ nghỉ phép đúng nghĩa bởi công việc khá bận rộn, nếu có xin nghỉ phép thì cũng trong tình trạng “ôm” laptop, nhận điện thoại liên tục từ khách hàng và sếp. Dù tay chân có nghỉ ngơi nhưng trong đầu cô cũng luôn luôn nghĩ tới công việc.

Do là nhân viên trẻ tuổi trong phòng, Thu Hà thường bị giao thêm các việc phụ khác từ sửa văn bản, mua quà tặng đến liên hệ khách… những việc đó khiến cô gái trẻ cảm thấy vô cùng mệt mỏi.

“Những điều đó khiến mình chán nản, không còn muốn đến công ty làm việc. Mình đợi kết thúc dự án vừa rồi mới nghỉ việc vì còn đợi khoản thưởng thêm từ công ty”, Thu Hà nói.

Khi nộp đơn xin nghỉ việc, đồng nghiệp đều ngạc nhiên vì Thu Hà vốn là người chăm chỉ, nhiệt tình với công việc.

Cô gái 25 tuổi cho biết sau khi rời công ty sẽ làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp rồi đi du lịch, thăm gia đình và cho bản thân thời gian nghỉ ngơi. Còn chuyện tìm kiếm công việc mới, Thu Hà dự định có thể sẽ nghỉ đến hết năm rồi làm hồ sơ xin việc ở những công ty có nhiều người trẻ năng động hơn.

Giống như Thu Hà, Minh Anh (26 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) cũng nộp đơn nghỉ việc khi vừa đi làm trở lại được 3 tuần sau kỳ nghỉ phép duy nhất trong năm của mình. Được chấp thuận, Minh Anh cảm thấy nhẹ nhõm như được tự do.

Thu nhập cao, nhiều người trẻ vẫn không hạnh phúc
Một trong những lý do khiến Minh Anh muốn nhảy việc là do cô gái trẻ cảm thấy những mối quan hệ giữa bạn bè, đồng nghiệp trong cơ quan không mấy tốt đẹp

Minh Anh vốn là một trợ lý tổng hợp với mức thu nhập 20 triệu đồng/tháng. Hằng ngày, cô gái trẻ bắt đầu ra khỏi nhà từ 7h sáng và trở về nhà lúc 19h tối. Để có mức thu nhập tương đối ổn định, Minh Anh phải lao động miệt mài. Chuyện thức đêm tới 1, 2h sáng để làm việc với cô gái trẻ là chuyện thường ngày.

Trong khi bạn bè hẹn hò, tụ tập, đi đến nơi này nơi khác thì Minh Anh chỉ chăm chăm vào màn hình máy tính, cố gắng làm xong nốt phần việc. Điều đó khiến Minh Anh ngày càng có khoảng cách với bạn bè và dường như không có người bạn thân thiết bên cạnh.

Một lý do nữa khiến Minh Anh muốn nhảy việc là do cô gái trẻ cảm thấy những mối quan hệ giữa bạn bè, đồng nghiệp trong cơ quan cũng không mấy tốt đẹp.

"Công việc vắt kiệt sức mình là một phần nhưng lý do chính khiến tôi muốn chuyển việc vì cấp trên không biết thông cảm và lắng nghe nhân viên. Điều đó khiến mình cảm thấy không hạnh phúc và muốn cống hiến thêm", Minh Anh chia sẻ.

Cần sự đánh đổi

Để nhận được mức lương cao, đãi ngộ tốt và mức thưởng nhiều người mong muốn, Đức Huy (sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ rằng phải mất đến 4 năm chăm chỉ bất kể ngày đêm để chứng minh được năng lực của bản thân.

Chàng trai trẻ cũng cho biết, tuy môi trường làm việc tương đối áp lực với các KPI liên tục nhưng cô không ngại tập trung để cố gắng, đôi khi cần phải bỏ ngoài tai những vấn đề liên quan đến đồng nghiệp hay từ cấp trên.

"Lúc mới đi làm mình nhận lương còn chưa nổi 5 triệu đồng. Vì vậy, mình nghĩ rằng cách để được trả lương cao hơn là phải thực sự nỗ lực trong công việc. Người mang lại doanh thu cao, làm việc nghiêm túc thì ở bất kỳ công ty nào cũng sẽ có đãi ngộ tốt.

Hiện tại, mình đang nhận được lời mời hợp tác tốt hơn từ một công ty khác nhưng đang suy nghĩ thêm trước khi quyết định", Đức Huy nói.

Thu nhập cao, nhiều người trẻ vẫn không hạnh phúc
Người trẻ cần đánh đổi nhiều thứ để vừa có được thu nhập tốt và hạnh phúc

Ngoài sự chăm chỉ trong nghề, đối với chàng trai 28 tuổi, việc mang lại giá trị cho công ty là rất quan trọng. Tuy nhiên, không ngừng nâng cấp bản thân phải là điều đặt lên hàng đầu. Không chỉ kỹ năng, kiến thức mà người lao động còn cần có kinh nghiệm và những trải nghiệm thực tế.

“Dù mình đã gắn bó với công ty hiện tại 5 năm nhưng sẽ không bao giờ bó buộc bản thân vào một môi trường nhất định. Hiện tại, chế độ lương thưởng và đãi ngộ đang tốt nên mình hài lòng và tiếp tục gắn bó được.

Nhưng với những bạn cảm thấy môi trường làm việc có điều gì đó không ổn, mình nghĩ mọi người cần mạnh dạn hơn và tìm kiếm cơ hội mới. Chỉ cần bản thân bạn không ngừng cải thiện, thì lương cao hay thưởng nhiều và những môi trường làm việc phù hợp sẽ đến rất gần trong tương lai", Đức Huy chia sẻ.

Phạm Thành
Phiên bản di động