Thống đốc: Ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên do nới room tín dụng Một ngân hàng tư nhân trở thành nhà băng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng vừa chủ trì buổi gặp mặt cuối năm với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế, các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.
Tại cuộc gặp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2022 là năm thế giới chứng kiến những bất ổn, thách thức chưa từng có với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraina và những hệ quả của chúng như gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả các hàng hóa nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát gia tăng trên toàn thế giới.
Cùng với đó, các rủi ro đó đi cùng với các rủi ro cố hữu như biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị… khiến cho kinh tế toàn cầu đối mặt với rủi ro suy thoái rõ rệt.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi gặp mặt. |
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố; lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4%, tăng trưởng kinh tế dự kiến cả năm ở mức khoảng 8%, vượt mục tiêu 6 - 6,5% được Quốc hội đề ra.
Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động, chắc chắn, linh hoạt phù hợp với diễn biến thực tế, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Nhờ đó, lạm phát và tỷ giá được giữ ổn định trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang tăng cao, nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá mạnh so với Đô la Mỹ. Ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ đã góp phần cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, giúp Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư quốc tế.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, yêu cầu các tổ chức tín dụng đảm bảo an toàn hoạt động. Ngành ngân hàng cũng đã tích cực tham gia vào các chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ, đặc biệt là gói hỗ trợ lãi suất thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi số ngành ngân hàng, tài trợ chống biến đổi khí hậu…
Theo Thống đốc, năm 2023 được dự báo là một năm nhiều thách thức với mức độ phục hồi kinh tế không đồng đều giữa các nước, lạm phát cao, các điều kiện tài chính thắt chặt, chuỗi cung ứng gián đoạn, rủi ro suy giảm được dự báo ở nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển.
Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam được dự báo sẽ khó tránh khỏi các tác động tiêu cực của những biến động kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác; điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”; tăng cường khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, qua đó bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, thông suốt, bền vững.
Bầu Thụy làm Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank |
Nam A Bank có tân Chủ tịch |