Một ngân hàng tư nhân trở thành nhà băng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống

Vượt qua các ông lớn ngân hàng quốc doanh, VPBank là nhà băng tư nhân có số vốn điều lệ cao nhất hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước tăng chỉ tiêu tín dụng thêm 1,5 – 2% cho toàn hệ thống Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất thế nào trong thời gian tới? Năm "ông lớn" quốc tế rót 500 triệu USD cho VPBank VPBank nâng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên kịch trần 1%/năm với cá nhân

Ngân hàng Nhà nước vừa có quyết định về việc sửa đổi nội dung giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Cụ thể, vốn điều lệ trong giấy phép thành lập và hoạt động của VPBank được sửa đổi thành hơn 67.434 tỷ đồng.

Mức vốn điều lệ của VPBank hiện lớn nhất hệ thống, cao hơn cả nhóm ngân hàng quốc doanh như BIDV (50.585 tỷ đồng), VietinBank (48.058 tỷ đồng), Vietcombank (47.325 tỷ đồng) và Agribank (34.351 tỷ đồng).

Một ngân hàng tư nhân trở thành nhà băng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)

Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, VPBank đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 29/9/2022 để phát hành thêm hơn 2,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền 2:1 (sở hữu 2 cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới).

VPBank tăng vốn điều lệ từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 50%, từ các nguồn như lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ với số cổ phần phát hành là hơn 2,24 tỷ cổ phiếu.

Bên cạnh đó, để thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, VPBank cũng đã thông qua nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 17,642%.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tính đến ngày 30/9/2022, vốn chủ sở hữu của VPBank đã vượt 102.000 tỷ đồng và vốn điều lệ đạt 45.056 tỷ đồng.

Hiện VPBank cũng đã hoàn tất bán 30 triệu cp quỹ cho cán bộ, nhân viên và đang hoàn tất các bước cuối cùng trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Trong một diễn biến liên quan, giữa tháng 11 vừa qua, VPBank đã ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD, tương đương gần 12.500 tỷ đồng từ 5 định chế tài chính lớn bao gồm: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd. – thành viên của Tập đoàn Ngân hàng đầu tư Maybank.

Hậu Lộc
Phiên bản di động