Thợ trẻ giỏi năm 2020: Chuyện của hai nữ kỹ sư
Xứng đáng kỹ sư đầu ngành PV GAS Chàng kỹ sư của học sinh khiếm thị Chàng kỹ sư trẻ với những sáng kiến tiền tỷ Chàng kỹ sư thủy sản đam mê, nhiệt huyết với nghề |
Lấm lem dầu mỡ
Từ bé, Phạm Thanh Huyền có sở thích làm các việc liên quan đến kỹ thuật. Tốt nghiệp ĐH Điện lực, Huyền đầu quân cho Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam. Một năm đầu, Huyền trải qua thử thách làm công nhân tại phân xưởng sửa chữa điện ô tô. Phân xưởng nơi Huyền làm việc chuyên sửa chữa các dòng xe vận tải trọng tải lớn từ 10 tấn trở lên và các dòng máy khai thác.
Huyền kể, đây là giải đoạn vất vả, cực nhọc nhất của cô. Phân xưởng toàn nam, chỉ duy nhất Huyền là nữ. “Hồi đó, tôi nhỏ con, chỉ được 45 kg. Những ngày đầu mới đi làm, khi chưa mặc đồng phục công ty nhiều người nhầm tưởng tôi là con của phụ huynh nào đó trong công ty đến chơi. Nhiều anh tài xế thấy tôi ra nhận xe để sửa, họ nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngại. Chính điều này giúp tôi thêm động lực khẳng định bản thân mình”, nữ kỹ sư kể.
Không quản cực nhọc, ngày ngày Huyền “lăn lê bò toài” dưới gầm xe tải sửa chữa. Bộ đồ bảo hộ và cả mặt mũi của Huyền luôn lấm lem dầu mỡ. Cùng thời điểm này, Huyền học tiếp Cao học tại ĐH Điện lực Hà Nội. Để hoàn thành tốt công việc ở xưởng cũng như đảm bảo việc học, Huyền phải nỗ lực gấp bội. Cô đăng ký làm thêm, tăng ca ngoài giờ. Chiều tối thứ 6, xong công việc ở xưởng, Huyền vội vàng thay quần áo bắt xe từ Lào Cai xuống Hà Nội học, rồi chiều tối Chủ nhật lại bắt xe ngược về Lào Cai làm việc.
Võ Thị Phương Mai đi tuyên truyền an toàn điện tại trường học. Ảnh: NVCC
Sau một năm thử việc tại xưởng, Thanh Huyền được cử lên phòng kỹ thuật làm việc, với vai trò kỹ thuật viên. Huyền trực tiếp nghiên cứu đề xuất, đưa ra phương án sửa chữa máy móc. Vì đặc thù công việc kỹ thuật, phục vụ khách hàng, Huyền thường xuyên đi làm về muộn. May mắn, Huyền luôn được chồng và gia đình ủng hộ hết mình. Nhờ đó, trong 5 năm làm việc tại phòng kỹ thuật, nữ kỹ thuật viên duy nhất của phòng cho ra đời 6 sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả công việc.
Giải pháp: “Chế tạo bin dây định hình động cơ điện xoay chiều” của Huyền là một trong những sáng kiến giúp cho công ty hoàn toàn làm chủ về công nghệ, sản phẩm. Trước đây, công ty phải đặt mua từ bên ngoài, giá thành cao.
“Việc được vinh danh “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2020 giúp tôi có thêm sự tự tin khi làm công việc vốn dĩ dành cho phái mạnh. Đây là nguồn động lực lớn lao cổ vũ cho những nữ nhi như tôi nỗ lực, cống hiến nhiều hơn cho đơn vị”, Huyền chia sẻ.
“Cây” sáng kiến
Nữ kỹ sư Võ Thị Phương Mai được xem là “cây” sáng kiến của Công ty Điện lực Ninh Thuận. Tốt nghiệp ĐH Bách khoa TPHCM, Mai nộp hồ sơ ứng tuyển vào Công ty Điện lực Ninh Thuận. Trúng tuyển nhưng thời gian đầu cô được sắp xếp làm văn thư. Với niềm đam mê kỹ thuật, cũng như không muốn bỏ phí kiến thức đã được học, Mai mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo xin được đi theo các đồng nghiệp nam ra hiện trường làm việc.
Chỉ một thời gian ngắn, với sự nhiệt huyết, xông xáo của cô đã chinh phục được các đồng nghiệp nam cũng như lãnh đạo. Mai trở thành kỹ thuật viên lĩnh vực an toàn và cho ra đời hàng loạt sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang đảm bảo sự an toàn, hiệu quả cao.
Ngay từ năm đầu tiên (năm 2016) trở thành kỹ thuật viên mảng an toàn, Mai đã cho ra đời 1 sáng kiến. Riêng năm 2017 Mai cho ra đời 6 sáng kiến và tiếp những năm sau đó cho ra đời hàng loạt sáng kiến khác.
Mai chia sẻ, năm 2019 sáng kiến “Dùng mã QR (Quick Response) tạo nhãn sử dụng trong công tác quản lý trang cụ an toàn, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động” đã mang lại nhiều giá trị, làm lợi cho đơn vị. Sáng kiến góp phần quản lý được các trang cụ an toàn, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động chặt chẽ, khoa học, linh động cho người quản lý cũng như người sử dụng; tiết kiệm nhiều thời gian cho kỹ sư/cán bộ an toàn thực hiện dán nhãn sử dụng tại các đơn vị.
Sáng kiến “Video hướng dẫn phương pháp cấp cứu hồi sinh tổng hợp” là một trong những sáng kiến lấy nhiều công sức, thời gian nhất của Mai. Cô phải tự mày mò lên mạng học kỹ thuật quay phim, cắt ghép, dựng video nhằm chuyển hóa những kiến thức sách vở thành hình ảnh hướng dẫn sinh động cho người học. Sáng kiến giúp người lao động dễ dàng tiếp thu, nắm bắt và nhớ các thao tác xử lý khi gặp tình huống cần thực hiện cấp cứu hồi sinh tổng hợp, tăng cơ hội sống cho người bị nạn, như bị điện giật, đuối nước.
Không chỉ đam mê trong công việc chuyên môn, Phương Mai còn năng nổ trong hoạt động đoàn thể. Cô thường tổ chức các buổi tuyên truyền tại các trường học, trực tiếp hướng dẫn các em kỹ năng phòng tránh, kỹ năng xử lý khi bị đuối nước, điện giật.
Bằng niềm đam mê và sự nỗ lực không mệt mỏi, Võ Thị Phương Mai từng được T.Ư Đoàn tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc. Năm 2020 cô tiếp tục được vinh danh lần thứ 2. Còn với Phạm Thanh Huyền, đây là lần đầu được tuyên dương. |