Tạo động lực mới phát triển bứt phá từ Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Vành đai 4 kết nối mọi vành đai
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có 7 tuyến đường vành đai gồm: 1; 2; 2,5; 3; 3,5; 4; 5, kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Đặc thù của Vành đai 4 là kết nối với tất cả các tuyến còn lại, có thể coi là “Vành đai kết nối mọi vành đai”, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km, trong đó qua TP Hà Nội 58,2km, tỉnh Hưng Yên 19km, tỉnh Bắc Ninh 25,6km và tuyến nối quốc lộ 18 dài 9,7km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên.
Tại kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, việc đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là nội dung rất cần thiết và cấp bách, nằm trong khâu đột phá để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết XVII Đảng bộ TP, Chương trình số 03 của Thành uỷ về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị, kinh tế đô thị; Các chương trình công tác của Thành ủy và cụ thể hóa Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Gần đây nhất là Nghị quyết số 15 ngày 15/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sơ đồ quy hoạch đường Vành đai 4 qua Hà Nội và các tỉnh lân cận |
Dự án đường Vành đai 4 được coi là một trong những động lực cho sự phát triển kinh tế thành phố trong 5 năm tới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 2 địa bàn có Vành đai 4 đi qua là Bắc Ninh và Hưng Yên cũng sẽ hưởng lợi nhất định. Trong đó, chắc chắn thị trường bất động sản hâm nóng bởi tuyến đường này.
Cụ thể, đoạn vành đai 4 đi qua địa bàn tỉnh Hưng Yên có tổng chiều dài gần 20 km, đi qua địa bàn 4 huyện gồm: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm. Điểm đầu tại khu vực xã Thắng Lợi (Văn Giang), điểm cuối tại xã Lạc Đạo (Văn Lâm).
Đối với đoạn vành đai 4 đi qua Bắc Ninh có chiều hơn 20km, có điểm đầu tại xã Nguyệt Đức và đi qua các xã Ninh Xá, Mão Điền, Hoài Thượng (huyện Thuận Thành); Chi Lăng, Yên Giả, Phượng Mao (huyện Quế Võ) và phường Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh); điểm cuối tại xã Phượng Mao.
Hiện tại, cả Hưng Yên và Bắc Ninh đang là những điểm "nóng" thu hút nhà đầu tư phát triển bất động sản nhà ở và khu công nghiệp.
Đơn cử như tại Văn Giang (Hưng Yên) là địa phương thu hút nhiều dự án bất động sản tầm cỡ, nổi bật là dự án Ecopark - khu đô thị phát triển dọc hai bên tuyến liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên với tổng diện tích hơn 499 ha. Tương tự, tại huyện Khoái Châu, Thủ tướng đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp sạch có quy mô 143,08ha tại huyện Khoái Châu và Ân Thi với tổng mức đầu tư là 1.788 tỷ đồng.
Ở Bắc Ninh, tại huyện Thuận Thành, Quế Võ- nơi Vành đai 4 đi qua cũng đang có nhiều khu đô mới như: Đô thị mới phía Nam thị trấn Hồ; Khu đô thị Đức Việt, Trung Quý (xã Gia Đông); khu đô thị An Bình; khu đô thị Hồng Hạc (xã Xuân Lâm) đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Ngoài ra, trong tương lai sẽ có thêm hai khu công nghiệp tập trung tại khu vực xã Ngũ Thái và xã Nguyệt Đức thuộc huyện Thuận Thành và khu vực xã Vạn Ninh thuộc huyện Gia Bình với tổng diện tích là 500ha...
Người dân mong chờ
Tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua Hà Nội sẽ đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.
Từ khi biết được thông tin, tuyến đường Vành đai 4 sẽ đi qua địa phận huyện Thanh Oai, chị Nguyễn Thị Thơm (Thanh Oai, Hà Nội) vô cùng phấn khởi: "Theo như tôi tìm hiểu thì những nơi đường Vành đai 4 đi qua chủ yếu là đất ruộng, làng xã nghèo, khi tuyến đường được triển khai, phát triển đồng bộ về đường xá, ánh sáng, đèn cao áp, các đường gom. Xung quanh Hà Nội trở thành những khu vực thuận tiện, phát triển những khu đô thị vệ tinh sẽ làm thay đổi bộ mặt khu vực này".
Vành đai 4 sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội, kết nối và phát huy hiệu quả hơn nữa các tuyến đường hướng tâm (Ảnh minh họa) |
Tại kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP Hà Nội, đại biểu Vũ Mạnh Hải (huyện Thường Tín) kiến nghị trong qua trình thiết kế, nếu dự án có đi qua khu vực làng nghề có tỷ trọng kinh tế cao, tiềm năng phát triển du lịch thì cần chú ý nhu cầu sử dụng của các làng nghề.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Xuân Hà, một người dân sống tại huyện Thường Tín, Hà Nội chia sẻ: “Tôi rất quan tâm, theo dõi các thông tin liên quan đến tuyến đường Vành đai 4 này. Có đường mới thì làng nghề sẽ có cơ hội phát triển mới, đời sống, kinh tế của người dân cũng sẽ được nâng lên. Tôi đang móng từng ngày”.
Không chỉ người dân Hà Nội mà người dân các tỉnh lân cận có đường vành đai 4 đi qua cũng đang mong ngóng tuyến đường này.
Chị Lê Thị Hải Anh (Văn Giang, Hưng Yên) chia sẻ: “Nếu dự án đường Vành đai 4 được triển khai thì việc đi lại của chúng tôi sẽ thuận tiện hơn, các luồng phương tiện có thể di chuyển theo nhiều hướng để đến trung tâm thành phố Hà Nội, đi từ Hưng Yến tới Hà Nội mà không xung đột với luồng phương tiện di chuyển trong trung tâm của đô thị. Công việc buôn bán của người dân chúng tôi từ đó cũng có nhiều thuận lợi hơn. Vì vậy, tôi rất mong ngóng tuyến đường này”.
Dự án Vành đai 4 được xây dựng và hình thành sẽ tạo không gian phát triển mới, tăng cường phát triển vùng, liên kết các tuyến đường hướng tâm, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô, là một trong những tuyến đường cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của Hà Nội cũng như Vùng Thủ đô.
Theo Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ, khi đường Vành đai 4 được đầu tư, hoàn thành, đưa vào khai thác, tình trạng dồn ứ giao thông cục bộ tại một số chốt kiểm soát cửa ngõ Thủ đô, cũng như nhu cầu vận tải trên cả 4 hành lang kinh tế khu vực phía Bắc quá cảnh Hà Nội sẽ được giải quyết triệt để. Vành đai 4 chính là lối thoát chiến lược trong những tình huống khó khăn đột biến, đồng thời là huyết mạch quan trọng tăng cường giao thương kết nối của cả vùng Bắc Bộ. Càng sớm đầu tư xây dựng, hiệu quả của Vành đai 4 đối với Hà Nội và Vùng Thủ đô cũng như khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ càng cao.
Hiện, việc phát triển chuỗi đô thị trong khu vực giữa Vành đai 3, Vành đai 4, chuỗi 5 đô thị vệ tinh, kết nối chùm đô thị TP Hà Nội và các khu vực đô thị, công nghiệp trong vùng Thủ đô chưa có cơ hội được kết nối phát triển đồng bộ. Việc sớm đưa dự án này vào triển khai là một yêu cầu bức thiết mà người dân mong đợi.