Khởi công Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Động lực phát triển vùng Thủ đô, vươn tới kỳ vọng mới

Với sự vào cuộc vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đang từng bước được hiện thực hóa, thể hiện tầm nhìn và khát vọng vươn lên, xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, là “đòn bẩy” cho sự phát triển của Vùng Thủ đô và đất nước.
Người dân Sóc Sơn hào hứng trước lễ khởi công vành đai 4 Người dân phấn khởi khi dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sắp khởi công Bí thư Thành ủy Hà Nội kiểm tra công tác chuẩn bị khởi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Phối cảnh một đoạn đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Phối cảnh một đoạn đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

Cả hệ thống chính trị vào cuộc, "thần tốc" thực hiện Dự án

Sáng nay (25/6), Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được khởi công, động thổ đồng loạt tại 6 vị trí thuộc ba địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội dài khoảng 112,8km kết nối Hà Nội với 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác tạo không gian phát triển mới của Thủ đô, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại…

Đặc biệt, đường Vành đai 4 còn tăng cường khả năng kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố khác trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ đô Hà Nội có 7 tuyến đường Vành đai, kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Thế nhưng, thực tế hiện nay, các tuyến đường từ Vành đai 3 đổ lại, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra. Dễ thấy, tại các tuyến đường cửa ngõ và những trục dẫn vào trung tâm Thủ đô, nhất là các dịp nghỉ lễ, tết khi nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách tăng vọt thì đều tạo nên những điểm ách tắc lớn với thời gian kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Bởi vậy, Vành đai 4 khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của Hà Nội, phân giải mạnh mẽ áp lực cho Vành đai 3 đã quá tải trầm trọng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khảo sát vị trí khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Thanh Oai.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khảo sát vị trí khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Thanh Oai

Hà Nội đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là xây dựng Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; Phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; Hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững, là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.

Để đạt được những mục tiêu này, thành phố sẽ tập trung tạo bước đột phá về thể chế gắn với điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng để giao thông đi trước mở đường.

Theo chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên, ngoài việc giảm tải cho các trục vành đai hiện có, Vành đai 4 sẽ mở ra những điều kiện để kết nối các đô thị vệ tinh trong chùm đô thị của Hà Nội.

Đồng nhất quan điểm này, nhiều chuyên gia giao thông cũng nhấn mạnh, đầu tư cho Vành đai 4 để mở rộng không gian lưu thông là hết sức cần thiết. Thực tế, lưu lượng giao thông của Hà Nội đang tập trung ở nội thành, bởi vậy phải có biện pháp kéo giãn. Nói cách khác, giao thông Hà Nội là giao thông hướng tâm và các đường Vành đai. Khi người và phương tiện di chuyển trên các đường hướng tâm mà không có các đường Vành đai thì phương tiện bắt buộc phải đi vào các trục nội thành, sau đó mới chuyển sang các đường khác. Như vậy, bên cạnh gây ùn tắc cho nội thành nó còn cho thấy sự lãng phí lớn nhân lực khi mỗi ngày phải “tiêu tốn” hàng giờ để vượt ách tắc đến nơi làm việc.

Tầm quan trọng và sự cần thiết đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là không thể phủ nhận. Đường Vành đai 4 đi qua 7 quận huyện gồm: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Hoài Đức. Sau khi đi qua các huyện ngoại thành của Hà Nội, tuyến Vành đai 4 sẽ cắt qua sông Hồng tại cầu Mễ Sở và đi sang địa phận tỉnh Hưng Yên.

Với quyết tâm khởi công dự án đúng kế hoạch đề ra, cả hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội vào đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhận được sự ủng hộ và đồng thuận của người dân đã giúp cho công tác giải phóng mặt bằng của dự án đến nay đang bảo đảm tiến độ đề ra.

Dồn sức thực hiện dự án, thực hiện hoá tầm nhìn chiến lược

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Thường trực Thành ủy Hà Nội ngày 6/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, Hà Nội rất quyết liệt trong triển khai dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô, với sự chỉ đạo sâu sát của đồng chí Bí thư Thành ủy và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng cả nước đẩy mạnh đột phá chiến lược về hạ tầng.

Động lực phát triển vùng Thủ đô, vươn tới kỳ vọng mới
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khảo sát vị trí khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Hoài Đức

Để triển khai dự án, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đến nay, cả hệ thống chính trị của thành phố, đặc biệt 7 quận, huyện có dự án đi qua đã và đang dồn sức thực hiện triển khai dự án.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, tính đến nay, 7 quận, huyện đã thu hồi đất bàn giao mặt bằng được 651,33 ha/798,043ha (đạt 81,62%), vượt kế hoạch và cam kết. Tỷ lệ này khá đồng đều ở các quận, huyện, đều đạt từ 70% trở lên. Tổng số mộ thuộc diện giải phóng mặt bằng đã di chuyển được là 6.035/10.039 ngôi (đạt 60,12%). Tổng số tiền đã phê duyệt để chi trả đền bù hỗ trợ là 4.626,79 tỷ đồng.

Chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 cho người dân.
Chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 cho người dân

Đối với công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu xây lắp, chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng các gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát dự án đường song hành và đang tổ chức lập thiết kế bản vẽ thi công để tổ chức phê duyệt triển khai thi công ngay sau khi khởi công dự án. Đến nay, các quận, huyện cũng đã bàn giao mặt bằng vị trí khởi công cho Ban Quản lý. Từ ngày 18/6, nhà thầu đã tiếp nhận và tổ chức triển khai tạo mặt bằng bãi khởi công công trình.

“Đến nay, các khâu chuẩn bị đã bảo đảm đủ điều kiện khởi công công trình trên toàn tuyến”, ông Nguyễn Chí Cường khẳng định.

Kết luận chỉ đạo buổi kiểm tra về công tác chuẩn bị khởi công dự án Vành đai 4 mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, thời gian qua, Hà Nội và hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đã có sự phối hợp chặt chẽ triển khai dự án cũng như chuẩn bị cho việc khởi công dự án trong tháng 6/2023. Đến nay, Hà Nội đã phê duyệt dự án thành phần 2, lựa chọn xong nhà thầu nên sẽ khởi công đúng kế hoạch vào ngày 25/6 tới. Còn hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh do phê duyệt chậm hơn, chưa chọn được nhà thầu, nên sẽ tổ chức động thổ vào cùng ngày này.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tinh thần khởi công chỉ là bước khởi đầu, là sự thông báo về kết quả công việc thời gian qua, quan trọng phải tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thời gian tới. “Tôi lưu ý, đã khởi công phải làm ngay, đã làm là phải làm liên tục. Chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu chuẩn bị đầy đủ máy móc, sẵn sàng nguyên vật liệu để tổ chức thi công. Các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị và từng đồng chí phải coi thực hiện dự án bảo đảm tiến độ theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị là cơ bản hoàn thành vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027; Coi đây là nhiệm vụ chính trị; Đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn nữa để thực hiện”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.

Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án Vành đai 4 nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, đồng thời yêu cầu 7 quận, huyện và các cơ quan, đơn vị tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu vận động, thuyết phục tạo đồng thuận để không phải cưỡng chế trường hợp nào; Hoàn thành tái định cư để 100% hộ dân về nơi ở mới và hoàn thành thu hồi 100% diện tích trong năm 2023.

Lam Dương
Phiên bản di động