Tài chính tiêu dùng phát triển góp phần đẩy lùi tín dụng đen
Cầu suy yếu vì Covid-19, tăng trưởng tín dụng 2020 dự kiến đạt 11% Ngân hàng tung loạt gói tín dụng giúp doanh nghiệp “vượt bão” Covid-19 |
Sáng 25/3, Báo Đầu tư tổ chức tọa đàm thường niên lần thứ 5 về lĩnh vực tài chính tiêu dùng với chủ đề “Tài chính tiêu dùng – Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển”.
Tại buổi tọa đàm, ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư đánh giá, số lượng các công ty tài chính tiêu dùng đang hoạt động trên thị trường chưa nhiều, tỷ trọng đóng góp trong dư nợ cho vay nền kinh tế vẫn còn thấp, hoạt động nội tại vẫn cần phải hoàn thiện...
"Nhìn ở góc độ phát triển lại gợi mở cho chúng ta về một tiềm năng thị trường chưa khai thác còn rất lớn, chưa kể tới nhu cầu tài chính cá nhân của người dân sẽ tiếp tục tăng khi kinh tế phát triển với tốc độ cao", ông Minh nêu vấn đề.
Ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Cũng tại buổi tọa đàm, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, cùng với sự phát triển kinh tế thì mức tiêu dùng của người dân ngày càng tăng, theo đó nhu cầu về tài chính tiêu dùng phục vụ đời sống cũng tăng cao.
"Cho vay tiêu dùng là sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp hoặc thế chấp, nhằm hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm hàng gia dụng, mua xe, du học, khám chữa bệnh và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống", bà Tùng cho biết.
Cũng theo bà Tùng, cho vay tiêu dùng một mặt giúp đáp ứng nhu cầu của người dân chi tiêu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
"Hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng trong thời gian qua đã phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phầncải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội", đại diện Ngân hàng Nhà nước phân tích.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Tại buổi tọa đàm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng khẳng định vai trò quan trọng của tài chính tiêu dùng trong thúc đẩy tiêu dùng xã hội và đẩy lùi tín dụng đen.
Trích số liệu của ngành ngân hàng, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, hiện có khoảng 47% người Việt tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc “tín dụng đen”.
Theo ông Thịnh, khi các hộ gia đình và các chủ thể có thể dễ dàng tiếp cận kênh tài chính tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu vốn nhỏ lẻ, sẽ hạn chế được tình trạng tín dụng đen, tín dụng ngầm trên thị trường, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, tránh được các bất ổn trong đời sống xã hội…
Góp ý giải pháp để ngành tài chính tiêu dùng phát triển, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng trong điều kiện của đại dịch COVID-19 và cuộc cách mang công nghệ 4.0, các công ty tài chính phải rà soát lại chiến lược kinh doanh để chuyển đổi cho phù hợp với tình hình mới, phù hợp với thị trường, đặc biệt là chuyển đổi số.
Ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh: “Công nghệ cần được đầu tư để tăng năng suất lao động, tối ưu hoá chi phí vận hành, có tổ chức công ty gọn nhẹ, vận hành hiệu quả, quản trị rủi ro tốt, mang tới cho khách hàng những trải nghiệm tốt, cung cấp cho khách hàng thông tin đầy đủ khi sử dụng các sản phẩm. Trên cơ sở đó, chi phí đầu ra của công ty sẽ rẻ hơn và có thể giảm lãi suất cho khách hàng, nâng cao cơ hội cạnh tranh với các công ty tài chính khác”.
Đồng thời PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhắc lại đề xuất cần đẩy mạnh công tác đào tạo nhân sự trong các công ty tài chính tiêu dùng cả về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn thị trường tài chính tiêu dùng.
“Lĩnh vực tài chính tiêu dùng của Việt Nam mới chỉ phát triển trong khoảng 10 năm và trong khoảng thời gian ngắn như vậy, chắc chắn lực lượng nhân sự quản lý lĩnh vực này chưa thể đáp ứng kịp so với sự phát triển của thị trường. Các nhân viên tài chính tiêu dùng cần đưa ra được giải pháp giúp khách hàng có sự tư vấn đầy đủ nhất về quyền lợi và nghĩa vụ trước khi quyết định ký hợp đồng. Bằng việc cung cấp dịch vụ thuận tiện, bảo mật và an toàn thông qua công nghệ cao, các công ty tài chính tiêu dùng sẽ góp phần trong việc đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen”, vị chuyên gia phân tích.