Sức hút từ những hiện vật lịch sử qua lăng kính của giới trẻ
Người trẻ "âm thầm nghỉ việc" CHẤT Festival 2024 - Ngày hội của giới trẻ Hà Nội Di tích Nhà tù Hỏa Lò: Đưa lịch sử đến gần hơn với giới trẻ |
Tại Trường Đại học Tổng hợp (cũ) – biểu tượng kiến trúc Đông Dương giữa lòng Hà Nội, các bạn trẻ đã có cơ hội trải nghiệm, tương tác với các hiện vật lịch sử quý giá, từ Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương đến các triển lãm nghệ thuật sáng tạo lấy cảm hứng từ kiến trúc Đông Dương. Không gian này thực sự đã tạo nên một điểm giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, thu hút và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ.
Bảo tàng Sinh học - "Kho báu" thiên nhiên gần trăm năm tuổi
Nằm tại địa chỉ 19 Lê Thánh Tông, Bảo tàng Sinh học của Đại học Quốc gia Hà Nội là bảo tàng sinh học đầu tiên của Việt Nam và Đông Dương, được thành lập từ năm 1926.
Trải qua gần một thế kỷ, bảo tàng hiện lưu giữ hàng trăm nghìn vật mẫu động, thực vật, được sưu tầm từ khắp các vùng địa lý của Việt Nam và cả những mẫu vật do nguyên thủ các quốc gia và bảo tàng quốc tế tặng. Với các bạn trẻ, bảo tàng như một “cánh cửa mở” về hệ sinh thái tự nhiên của đất nước qua từng mẫu vật.
Từ sáng sớm đã có rất đông bạn trẻ xếp hàng dài để chờ đến lượt tham quan Bảo tàng Sinh học và không gian trưng bày nghệ thuật "Cảm thức Đông Dương" |
Dù chỉ nằm trong một không gian khiêm tốn, Bảo tàng Sinh học vẫn sở hữu bộ sưu tập mẫu vật phong phú và quý giá, được coi là tài sản vô giá của quốc gia. Đây là một hình ảnh thu nhỏ về tài nguyên sinh học và sự đa dạng sinh thái của Việt Nam. Hiện nay, bảo tàng là một trong những cơ sở chủ chốt thuộc hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.
Các mẫu xương từ nhiều loài động vật được các nhà nghiên cứu trường Đại học Tổng hợp Hà Nội bảo quản nguyên vẹn thu hút sự chú ý của rất nhiều bạn trẻ |
Tại đây, các bạn trẻ được chiêm ngưỡng những mẫu cá, thực vật quý, đặc biệt là cá bống trắng do Thái tử Akihito của Nhật Bản tặng vào năm 1976. Bảo tàng lưu giữ hơn 28.000 tiêu bản thực vật được thu thập từ khắp các vùng miền trên cả nước, trong đó 22.991 tiêu bản đã được xác định khoa học, thuộc 4.287 loài, 1.300 chi và 235 họ.
Đặc biệt, còn khoảng 5.381 tiêu bản chưa được định loại, mang đến tiềm năng nghiên cứu phong phú trong tương lai. Phần lớn các mẫu vật hiện đang được bảo quản tốt, tiếp tục đóng góp vào việc bảo tồn và giáo dục về sự phong phú của hệ sinh thái Việt Nam.
Các bạn trẻ tò mò tìm hiểu về từng mẫu tiêu bản động vật được trưng bày tại bảo tàng |
Đến với phòng trưng bày, Nhật Huy và Duy Minh (Đống Đa, Hà Nội) rất tò mò với nhiều mẫu sinh vật lạ lẫm mà hai cậu bạn chưa từng thấy. Vừa chăm chú đọc thông tin về mẫu vật, Huy và Minh không quên ghi hình lại từng loài để tiếp tục tìm hiểu về chúng khi về nhà.
"Em không nghĩ một bảo tàng lại có thể tập hợp được nhiều mẫu tiêu bản động vật đa dạng đến vậy", Nhật Huy nói và chia sẻ thêm: "Em rất ấn tượng với phương pháp bảo quản mẫu vật của các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tất cả các mẫu vật được giữ nguyên vẹn hình dạng, màu sắc, thậm chí còn được tái hiện lại sinh động các hành vi của chúng ngoài tự nhiên. Không gian bảo tàng khiến em cảm nhận như mình đang ở trong một bộ phim tài liệu nghiên cứu sinh vật học. Em tin chắc rằng những bạn đang học Hóa - Sinh sẽ rất yêu thích nơi đây, một lớp học thực tế, chi tiết và mang tính giáo dục rất cao".
Nhật Huy và Duy Minh cẩn thận chụp hình lại các mẫu vật để tiếp tục tìm hiểu sau khi ra về |
Bộ sưu tập mẫu cá tại bảo tàng với tổng cộng 6.207 mẫu là một trong những kho tàng sinh vật độc đáo nhất, bao gồm cả các loài cá quý hiếm đã được định loại, và những mẫu mới cho khoa học do các giáo sư Việt Nam công bố. Mỗi mẫu vật được trưng bày ở đây không chỉ mang lại trải nghiệm trực quan về thiên nhiên cho các bạn trẻ mà còn khơi dậy ý thức bảo tồn thiên nhiên, môi trường.
Đứng cách cả sải tay nhưng những cô bạn vẫn có chút sợ "nhẹ" trước mẫu tiêu bản trăn sống động |
Bạn Nguyễn Quỳnh Mai (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Bảo tàng Sinh học đã mang đến cho mình cái nhìn đa chiều hơn về hệ sinh thái động vật của Việt Nam. Nước ta cũng không hề kém cạnh những rừng Amazon hay hệ sinh thái Ethiopia về mặt đa dạng sinh học. Trải dài theo chiều dọc đất nước, mỗi vùng miền lại có những loài động vật đặc trưng với những nét tiến hóa thích ứng phù hợp với môi trường khí hậu Việt Nam.
Tuy nhiên, mình cảm thấy khá lo lắng khi có rất nhiều loài đã bị gắn mác tuyệt chủng ngoài tự nhiên hay cực kỳ nguy cấp. Vấn nạn tàn phá thiên nhiên trực tiếp hay gián tiếp vẫn đang rất nhức nhối. Nếu để điều đó tiếp tục diễn ra, mình sợ rằng đến các thế hệ sau, có lẽ con em chúng ta chỉ có thể được biết đến các loài động vật này trong bảo tàng mà không thể tìm được chúng ngoài tự nhiên".
Phòng trưng bày tiêu bản chính là phòng làm việc của cố Giáo sư Đào Văn Tiến - Nhà sinh vật học xuất sắc của nước ta trong thế kỷ trước |
Tái hiện kiến trúc và mỹ thuật của một thời kỳ vàng son
Bên cạnh sức hút từ Bảo tàng Sinh học, tổ hợp triển lãm nghệ thuật “Cảm thức Đông Dương” đã trở thành tâm điểm trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, thu hút đông đảo các bạn trẻ đến trải nghiệm và khám phá.
Với phong cách kiến trúc Đông Dương độc đáo, từ mái vòm, đèn chùm, đến các tác phẩm trang trí mang dấu ấn của kiến trúc sư Ernest Hebrard, không gian nghệ thuật này đã mở ra một lối dẫn về quá khứ đầy lãng mạn và hoài niệm.
Mái vòm đại sảnh là sự giao thoa giữa văn hóa truyền thống Việt Nam và lối kiến trúc mang hơi thở Tây phương, tạo ra không gian độc đáo thu hút các bạn trẻ đến check-in trải nghiệm |
Những góc chụp ấn tượng là điểm nhấn khiến nhiều bạn trẻ "mê mệt" không gian "Cảm thức Đông Dương" |
Không gian trưng bày mang sức hút mạnh mẽ đối với hội chị em mê chụp hình. Rủ rê nhau đến lễ hội, các bạn trẻ đã tranh thủ từng phút giây tham quan để chụp hình lưu niệm tại những góc check-in mang phong cách vintage đầy ấn tượng.
Lê Thủy Tiên (Ba Đình, Hà Nội) vốn yêu thích các tác phẩm trưng bày mang nhiều tầng ý nghĩa từ các nghệ sĩ theo trường phái site-specific. Cô bạn ấn tượng trước sự hòa nhập của các tác phẩm sắp đặt trong không gian cổ kính, mang đến những góc nhìn đa chiều về một thời kỳ giao thoa văn hóa của Việt Nam thế kỷ trước.
Nét hoài niệm không chỉ đến từ những hiện vật trưng bày mà còn từ những tác phẩm nghệ thuật do các nghệ sĩ trẻ sắp đặt một cách tinh tế, khiến không gian được đan kết vào nhau một cách hài hòa |
Thủy Tiên bày tỏ: "Mình đã có trải nghiệm rất tốt trong mùa lễ hội trước nên năm nay quyết tâm phải đi bằng được. Không phải lúc nào giới trẻ chúng mình cũng được trải nghiệm những không gian được sắp đặt công phu, bài bản như trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội.
Nghệ thuật hiện đại từ các nghệ sĩ trẻ như những nét màu chấm phá họa nên cho không gian di sản những lớp lang nghệ thuật đầy ý nghĩa, thổi những hơi thở thời đại giúp hồi sinh không gian đang ngủ yên. Điều này không chỉ nói lên sự tôn trọng của các nghệ sĩ dành cho không gian di sản mà còn khẳng định niềm tự hào và tình yêu của họ tới văn hóa - truyền thống và những giá trị xưa cũ của Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung".
Đặc biệt, tác phẩm chiếu 3D mapping hình chim phượng hoàng của họa sĩ Phạm Trung Hưng, gợi nhớ những hình ảnh trang trí đặc trưng đã phai mờ theo thời gian, đã gây ấn tượng mạnh mẽ với các bạn trẻ.
Theo chia sẻ của các tình nguyện viên phục vụ lễ hội, mỗi ngày, không gian nghệ thuật và tác phẩm 3D mapping tại đây thu hút hàng nghìn khách tham quan xếp hàng chờ đợi để được lên tận nơi chiêm ngưỡng tại mái vòm cổ. Đây không chỉ là nơi ngắm nhìn mà còn là nơi để họ trải nghiệm nghệ thuật tái hiện lịch sử, thấu hiểu nét đẹp tinh tế của kiến trúc Đông Dương qua những tác phẩm sắp đặt tỉ mỉ và sáng tạo.
Phượng hoàng tung cánh |
Anh Lê Văn Hoàng Anh (Tp. Vinh) nói: "Nhờ những đường nét tái hiện của trình chiếu 3D mapping, tôi mới có cơ hội chiêm ngưỡng lại bức tranh gốc được khắc họa trên mái vòm sảnh chính của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Thời gian đã xóa nhòa đi màu sắc và nét họa, nhưng hình ảnh của quá khứ sẽ luôn được lưu giữ trong tâm thức con người. Cảm ơn các nghệ sĩ và nhà nghiên cứu tham gia thực hiện lễ hội đã mang những giá trị xưa cũ đến với đời sống hiện đại ngày nay, để những thế hệ đi sau có cơ hội hiểu biết và có góc nhìn thực tế, gần gũi hơn đối với các tác phẩm vô giá của thời đại trước".
Bên cạnh các tác phẩm trưng bày cố định, “Cảm thức Đông Dương” còn có những khu vực sắp đặt tương tác, nơi các bạn trẻ có thể thử nghiệm những kỹ thuật thêu tay thời Đông Dương, hoặc khám phá không gian thiết kế mang đậm dấu ấn của thời kỳ này. Những trải nghiệm này giúp giới trẻ thêm hiểu biết và cảm nhận sâu sắc về thời kỳ Đông Dương, một giai đoạn mà kiến trúc và mỹ thuật đã đạt đến đỉnh cao tại Việt Nam.
Kết nối quá khứ và hiện tại qua những hiện vật lịch sử
Sự kết hợp giữa các hiện vật sinh học lâu đời và các tác phẩm nghệ thuật hiện đại đã tạo nên một không gian văn hóa độc đáo, nơi quá khứ và hiện tại hòa quyện. Đối với nhiều bạn trẻ, đây không chỉ là những hiện vật vô tri vô giác mà còn là nguồn cảm hứng để họ hiểu thêm về văn hóa và lòng tự hào dân tộc.
Qua từng hiện vật, các bạn trẻ như được tìm về với quá khứ, nhưng lại không bị tách rời khỏi hiện tại, bởi chính những sắp đặt sáng tạo đã tạo ra “gạch nối” hữu hình giữa hai thế hệ.
Đến với bảo tàng, không chỉ là những tấm hình đẹp, khách tham quan còn tiếp nhận vô vàn nét văn hóa, lịch sử xưa cũ qua những phong cách nghệ thuật đa dạng, biến hóa |
Cô Nguyễn Thị Trung Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Là một giáo viên Văn đã về hưu, tôi cho rằng chính những sự kiện văn hóa như Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ mang đến trải nghiệm về cảm xúc, nghệ thuật giúp nuôi dưỡng tâm hồn các bạn trẻ.
Những bài học về lịch sử, truyền thống sẽ bớt khô khan khi các bạn thật sự đã được 'chạm tay' vào quá khứ. Qua đó, tinh thần yêu nước và nguồn cảm hứng của thế hệ trẻ sẽ được khơi thông, hứa hẹn tạo nên những con người đầy nhiệt huyết và đam mê trong tương lai, tiếp tục góp phần cải tiến và xây dựng nền văn hóa nước nhà thêm giàu mạnh".
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã thực sự chứng minh rằng những hiện vật lịch sử không chỉ là dấu tích của quá khứ mà còn là nguồn tri thức quý giá và cầu nối truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.
Những chia sẻ từ các bạn trẻ cho thấy rằng họ không chỉ học hỏi mà còn khát khao cống hiến để bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc. Những hiện vật lịch sử tại bảo tàng, cùng với không gian sáng tạo tại Đại học Tổng hợp, chính là điểm nhấn cho thấy rằng di sản văn hóa của chúng ta đang sống mãi và tiếp tục tạo nên niềm tự hào dân tộc trong lòng giới trẻ Việt Nam.