Sức hút từ đa dạng văn hoá các dân tộc thiểu số tại Ba Vì

Những năm qua, huyện Ba Vì (Hà Nội) đã và đang biến các giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số trở thành động lực để phát triển du lịch, kinh tế.
Nét đẹp trong xây dựng nếp sống văn minh ở Ba Vì

Thế mạnh đến từ sự đa dạng

Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của Thủ đô, huyện Ba Vì sở hữu lợi thế, điểm mạnh mà không địa phương nào tại Hà Nội có được, đó là sự đa dạng về mặt dân tộc, lịch sử, văn hoá. Đây được đánh giá là vốn liếng quý báu để huyện này xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội.

Sức hút từ đa dạng văn hoá các dân tộc thiểu số tại Ba Vì
Lễ hội Tản viên Sơn Thánh - nét độc đáo trong văn hoá của Ba Vì

Theo báo cáo của Phòng dân tộc huyện Ba Vì, trên địa bàn có 24 thành phần dân tộc đang sinh sống, với đa dạng các thành phần dân tộc khác nhau.

Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chủ yếu là dân tộc Mường (26.165 người); dân tộc Dao (2.466 người); dân tộc Nùng (131 người), dân tộc Tày (370 người)... Đặc biệt, đồng bào Sán Dìu, Ê đê, Hà Nhí, Nhắng hay Cao Lan ... cũng lựa chọn Ba Vì là nơi an cư lạc nghiệp.

Về mặt kinh tế, những năm vừa qua, kinh tế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ba Vì có bước tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình truyền đạt cách nghe và đánh chiêng Mường tại xã Ba Trại. Ảnh: Khuất Duyên
Nghệ nhân ưu tú Bùi Thanh Bình truyền đạt cách nghe và đánh chiêng Mường tại xã Ba Trại. Ảnh: Khuất Duyên

Đáng chú ý, Ba Vì khéo léo khai thác tiềm năng về du lịch sinh thái và các mô hình kinh tế đặc trưng như chăn nuôi bò sữa, nuôi ong lấy mật, trồng chè, dong giềng, sản phẩm thuốc Nam... tạo điều kiện cho phát triển kinh tế.

Nhờ đó, các xã vùng dân tộc miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 10%, đến hết năm 2023 thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm, đặc biệt có xã đạt trên 65 triệu đồng/người/năm,

Phát huy mạnh mẽ các giá trị văn hoá

Theo UBND huyện Ba Vì, những năm qua, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được huyện quan tâm và xác định là nhiệm vụ quan trọng.

Đến nay, tại điạ bàn 7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thành lập được 59 đội bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Ba Vì, thường xuyên tổ chức tập luyện sưu tầm các bài diễn tấu chiêng Mường, các làn điệu dân ca Mường và Múa Chuông, múa rùa, lễ cấp sắc dân tộc Dao, mua sắm trang bị thêm Chiêng cho các thôn, xã miền núi.

Giai đoạn từ năm 2019-2024 đã mua sắm bàn giao cho các xã 10 bộ chiêng Mường, 3 bộ chuông chiêng Dao, cấp 250 bộ trang phục để phục vụ các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số.

Ngày hội văn hoá Mường
Ngày hội văn hoá Mường

Với sự quan tâm đầu tư và triển khai tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao dân tộc thiểu số, giúp cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, tiếng cồng, chiêng, chuông chiêng Dao, trang phục đồng bào Mường, Dao, một số trò chơi dân gian của dân tộc thiểu số như ném còn, múa sạp, leo núi trong đồng bào dân tộc thiểu số xuất hiện mật độ ngày càng nhiều hơn.

Đáng chú ý, năm 2024, huyện Ba Vì đã thành lập được câu lạc bộ Văn hóa nghệ thuật các dân tộc huyện Ba Vì qua đó đã góp phần duy trì công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã miền núi.

Các cá nhân, gia đình, đơn vị tổ chức dần thay đổi ý thức nhất là đối với giới trẻ trong nhận thức về vai trò, vị trí các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong đời sống xã hội. Qua đó, nhận thức rõ được vị trí và trách nhiệm của mình trong công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

Thực tế, nhờ sự định hướng của cơ quan nhà nước, cũng như nỗ lực vươn lên của đồng bào; trong cộng đồng dân tộc thiểu số, hiện nay, lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch tại Ba Vì tương đối phát triển.

Sức hút từ đa dạng văn hoá các dân tộc thiểu số tại Ba Vì
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số tại Ba Vì có nhiều thay đổi, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12.

Cụ thể, năm 2023 ước tính du lịch Ba Vì đón được 2.7 triệu lượt khách, tăng 34,33% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu ước đạt 401 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2024 dự kiến đón được 2,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt 407 tỷ đồng.

Đặc biệt, đầu năm 2024, huyện Ba Vì đã thành lập và khai trương mô hình du lịch bản miền tại xã Ba Vì, hứa hẹn sẽ thu hút lượng khách thăm quan du lịch đông qua đó góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn.

Trong hai ngày 20, 21/6/2024, huyện Ba Vì tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Ba Vì lần thứ IV. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thành phố đối với đồng bào các dân tộc.

Vũ Cường
Phiên bản di động