Sinh viên lo lắng về quy định hạn chế giờ làm thêm
Đề xuất còn nhiều bất cập
Theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) của Bộ LĐ-TB&XH, học sinh, sinh viên có thể làm thêm không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ. Đề xuất này nhằm quản lý việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên, và dự thảo đã được mở để lấy ý kiến từ ngày 15/3.
Nếu đề xuất này được chấp nhận, số giờ làm việc bán thời gian của học sinh, sinh viên trong tuần sẽ gần bằng một nửa so với người lao động bình thường. Tuy nhiên, dự thảo chỉ đưa ra giới hạn về giờ làm việc theo tuần mà không đề cập đến số giờ làm việc mỗi ngày. Nếu áp dụng quy định làm việc 5 ngày mỗi tuần, trung bình mỗi ngày học sinh, sinh viên sẽ được làm việc khoảng 4 tiếng.
Đối với cộng đồng sinh viên, đề xuất này có thể gây ra nhiều lo ngại về khả năng kiếm thu nhập bổ sung và quản lý thời gian giữa học tập và làm việc. Trong quá trình tiếp tục thảo luận và đánh giá dự thảo, cần phải xem xét kỹ lưỡng và cân nhắc các yếu tố về lợi ích của sinh viên cũng như sự phát triển bền vững của kinh tế và xã hội.
Sinh viên lo ngại
Đối với nhiều bạn học sinh và sinh viên, công việc làm thêm không chỉ giúp họ trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày như tiền phòng trọ và tiền ăn mà còn mang lại cơ hội để họ tích luỹ kinh nghiệm và mở rộng mạng lưới quen biết. Hơn nữa, những học sinh và sinh viên này thường đã đủ tuổi pháp luật để được làm thêm, vì vậy việc hạn chế giờ làm thêm có thể không phản ánh đúng nhu cầu của họ. Đồng thời, việc giới hạn giờ làm thêm cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng tự chủ tài chính và độc lập của các bạn sinh viên.
Chị Nguyễn Hoàng Anh – chủ doanh nghiệp – tỏ ra quan ngại về vấn đề giảm giờ làm cho sinh viên. Hiện tại, các nhân sự trẻ trong công ty chị Hoàng Anh đa phần đều là sinh viên thuộc các trường Đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chị Nguyễn Hoàng Anh hiện là chủ một doanh nghiệp nghệ thuật |
Chị Hoàng Anh cho biết: “Tôi cho rằng, với lượng thời gian cho phép theo đề xuất và mức lương trung bình hiện tại của các bạn sinh viên nếu áp dụng ở Việt Nam là chưa hợp lý. Nếu các bạn sinh viên đi làm thêm chỉ 20 tiếng/tuần với lương cơ bản là từ 17.000 đồng đến 20.000 đồng/ giờ thì các bạn sẽ chỉ kiếm được chưa đến 500.000 đồng/ tuần, chi phí này không thể đủ để chi trả cho đời sống tại Hà Nội dù có tiết kiệm, chắt bóp kỹ càng. Ngoài ra, việc này gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ công việc khi mỗi tuần các bạn chỉ có thời gian rất hạn chế để công tác, tác động xấu đến sức khỏe tài chính doanh nghiệp khi phải chi quá nhiều cho công tác đào tạo nhân sự và không thu lại được thành quả đã đề ra”.
Bạn Phan Quốc Đạt |
Bạn Phan Quốc Đạt - sinh viên năm 3 chuyên ngành đồ họa - cảm thấy rất áp lực về đề xuất quy định việc làm mới. Đạt bày tỏ: “Em đi làm thêm nhằm ổn định tài chính cá nhân và trau dồi kinh nghiệm để xin việc trong tương lai. Nếu bây giờ chỉ được làm 20 tiếng/tuần quả thật không đủ cả về mặt tài chính và phát triển bản thân. Em không đặt quá nặng vấn đề về lương, nhưng việc học tập từ thực tế cuộc sống sẽ luôn cần thời gian lâu dài và liên tục, thúc ép bản thân phải thực hành những kinh nghiệm học được một cách nhuần nhuyễn, chi tiết. 20 tiếng một tuần không thể đáp ứng được nhu cầu học hỏi và hơn hết là phấn đấu để mong muốn đạt được thành tựu sớm ngay cả trước khi em ra trường”.
Đồng quan điểm với Quốc Đạt, Nguyễn Thị Phương Linh - sinh viên năm 3 chuyên ngành Nội thất - lo lắng nói: "Em cảm thấy việc thời gian làm bị hạn chế kèm theo mức lương tối thiểu thấp không đáp ứng được cuộc sống của chính mình tại Hà Nội. Thu chi sinh hoạt hàng ngày của sinh viên đang ngày càng trở nên đắt đỏ theo thị trường trong khi lương cơ bản theo quy định lại không hề tăng. Em tự hỏi sinh viên như chúng em sẽ phải xoay sở thế nào để có được đủ tài chính để vừa duy trì việc học kèm theo đó là xây dựng một profile ấn tượng để tiện xin việc về sau? Được biết các nhà tuyển dụng hiện nay còn rất ngại tuyển sinh viên mới ra trường, ít kinh nghiệm việc làm. Nếu công việc của em bị hạn chế thời gian dẫn đến việc không đạt được thành tựu hoặc thời gian yêu cầu để cạnh tranh với bạn bè cùng trang lứa trong quá trình tuyển dụng sau này, liệu có hướng giải quyết nào cho chúng em không?”
Quy định làm thêm của sinh viên tại một số nước trên thế giới
Tại Canada:
- Giấy phép làm việc: Sinh viên trong nước nói chung và quốc tế nói riêng cần có giấy phép làm việc phù hợp để được phép làm thêm trong quá trình học tập tại Canada. Đối với sinh viên là công dân Canada phải trên 16 tuổi và được cấp SIN (Social Insurance Numbers - mã bảo hiểm xã hội) để có thể làm việc hợp pháp. Đối với sinh viên quốc tế, Study Permit (giấy phép học tập) cần có ghi chú cho phép cá nhân được phép đi làm thêm trong thời gian theo học tại các trường Đại học công lập hoặc được cấp phép tại Canada.
- Số giờ làm việc: Sinh viên được phép làm thêm một số giờ nhất định mỗi tuần trong kỳ học và một số giờ tối đa trong kỳ nghỉ hè hoặc kỳ nghỉ lễ. Thông thường, giới hạn là khoảng 20 giờ mỗi tuần trong thời gian học và 40 giờ mỗi tuần trong kỳ nghỉ.
- Mức lương: Mức lương cơ bản cho sinh viên làm thêm có thể thay đổi tùy theo vị trí, ngành nghề, và mức độ kinh nghiệm. Tuy nhiên, Canada có mức lương tối thiểu quốc gia mà các nhà tuyển dụng phải tuân thủ, đảm bảo rằng sinh viên không bị cưỡng ép làm việc với mức lương quá thấp. Cụ thể, mức lương cơ bản dao động từ 17 CAD đến 21 CAD/ tiếng đối với từng ngành nghề khác nhau.
Tại Singapore:
- Giấy phép làm việc: Điều kiện cần để sinh viên là công dân Singapore được đi làm thêm đó là cá nhân phải đủ 14 tuổi trở lên và có thẻ sinh viên, thẻ học sinh hợp pháp. Đối với sinh viên nước ngoài đến Singapore theo chương trình đào tạo kèm theo cần phải có giấy phép làm việc, thẻ việc làm hoặc tham gia chương trình làm việc trong kỳ nghỉ để có thể đi làm một cách hợp pháp.
- Số giờ làm việc: Sinh viên được phép làm thêm một số giờ nhất định mỗi tuần trong kỳ học và một số giờ tối đa trong kỳ nghỉ hè hoặc kỳ nghỉ lễ. Thông thường, giới hạn là khoảng 16 giờ mỗi tuần trong thời gian học và 40 giờ mỗi tuần trong kỳ nghỉ.
- Mức lương: Mức lương cơ bản cho sinh viên làm thêm có thể thay đổi tùy theo vị trí, ngành nghề, và mức độ kinh nghiệm. Mức lương cơ bản dao động từ 15 SGD đến 21 SGD/ tiếng đối với từng ngành nghề khác nhau.