Sau thúc giục của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước sửa gấp quy định cho vay bất động sản

Sau chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư mới ngưng các quy định gây khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản khi tiếp cận tín dụng...
Thủ tướng yêu cầu sửa Thông tư 06, ngưng hiệu lực các quy định gây khó khăn Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, sửa đổi thông tư gây khó doanh nghiệp Hé mở nội dung cuộc họp rà soát thông tư gây khó cho bất động sản Thủ tướng chỉ đạo họp khẩn sửa thông tư gây khó cho bất động sản

Tối muộn 23/8, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo về việc ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN).

Trước đó, ngày 28/6, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2023.

Thông tư số 06/2023/TT-NHNN đã bổ sung quy định về cho vay phù hợp với quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và các quy định khác để tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách hàng tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Đồng thời, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Sau thúc giục của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước sửa gấp quy định cho vay bất động sản
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, để ưu tiên hơn nữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/8/2023 ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 1/9/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu, xem xét các giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Cuối tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06/TT-NHNN với mục đích kiểm soát rủi ro hệ thống của ngành ngân hàng, điều chỉnh một số hoạt động cho vay liên quan đến ngành bất động sản.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định không siết điều kiện cho vay mà đây là các điều kiện vay vốn tối thiểu theo Luật Các tổ chức tín dụng, đã được cơ quan này cảnh báo thời gian qua.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng một số quy định không hợp lý, ví như việc góp vốn bằng cách mua cổ phần hoặc rót vào những dự án chưa đủ điều kiện pháp lý là nhu cầu vốn khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn, không có cơ sở để đánh giá thường xuyên tình hình tài chính, hoạt động, khả năng trả nợ của bên nhận vốn góp.

Mặt khác, đối với doanh nghiệp bất động sản quy định dự án phải đủ điều kiện đưa vào kinh doanh mới được vay vốn là một thách thức đối với các doanh nghiệp phát triển bất động sản khi quy trình pháp lý còn nhiều nút thắt.

Sau phản ánh của báo chí, hiệp hội và các doanh nghiệp, Thủ tướng đã có văn bản giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp ngay với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để nghe báo cáo và nghiên cứu chỉ đạo về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2023/TT-NHNN.

Ngày 17/8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì của họp về việc này, đồng thời sau đó cũng đã hai lần gửi văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.

Trong văn bản mới nhất ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu sửa đổi thông tư này theo hướng ngưng hiệu lực các quy định gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước phải cắt giảm thủ tục hành chính, không để tình trạng quy định không rõ ràng dẫn tới cách hiểu khác nhau, cho đến khi có văn bản pháp luật khác quy định. Doanh nghiệp có nhu cầu vốn tín dụng hợp pháp, chính đáng, đáp ứng đủ điều kiện cần phải được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận tín dụng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần phản ứng chính sách nhanh, hiệu quả hơn với tinh thần cầu thị, lắng nghe và có giải pháp cụ thể đối với những vấn đề vướng mắc.

Hậu Lộc
Phiên bản di động