Quốc hội thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Sáng 20/6, với 94,33% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Chủ tịch Quốc hội: Cần có chính sách điều tiết, cơ cấu lại thị trường bất động sản Quốc hội chốt áp trần giá vé máy bay, bỏ thịt lợn ra khỏi mặt hàng bình ổn giá Đại biểu Quốc hội lo ngại việc người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà đất

Luật Hợp tác xã (sửa đổi) gồm 12 chương với 115 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Trước đó, trình bày tóm tắt tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại kỳ họp thứ 5, ngày 25/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo luật này.

Ngày 12/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) gồm 12 chương với 115 điều.

Quốc hội thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, do nội dung này có ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở kết quả phiếu xin ý kiến, dự thảo luật đã được tiếp thu và hoàn thiện theo ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội.

Quốc hội thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Theo đó, bỏ quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và một số điều khoản liên quan nhằm bảo đảm phản ảnh đúng bản chất của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là đối nhân, không phải đối vốn như doanh nghiệp, tránh hiện tượng mua, bán phần vốn góp tương tự như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, “doanh nghiệp hóa hợp tác xã”, thao túng, chi phối của một số cá nhân, tổ chức.

Đối với hoạt động huy động vốn từ thành viên và cho vay nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, tại dự thảo luật quy định hoạt động tín dụng nội bộ gồm hoạt động huy động vốn từ thành viên và hoạt động cho vay nội bộ.

Tại khoản 1 Điều 83 quy định “Cho vay nội bộ là việc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cho thành viên chính thức vay trong thời hạn không quá 12 tháng nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đời sống trên nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, không vì mục tiêu lợi nhuận, phải bảo toàn vốn, có hoàn trả và bù đắp đủ các khoản chi phí của hoạt động cho vay nội bộ. Hoạt động cho vay nội bộ không phải là hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng”.

Tại điểm b khoản 2 Điều 83 quy định nguyên tắc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không được thực hiện việc huy động vốn trong và ngoài thành viên để cho vay nội bộ, bởi hoạt động này tương tự như hoạt động tín dụng do các tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng đòi hỏi yêu cầu cao và chặt chẽ trong quản trị rủi ro.

Tại khoản 3 Điều 83 giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này về điều kiện đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện hoạt động cho vay nội bộ và quy định mức cho vay, giới hạn cho vay, lãi suất, xử lý rủi ro từ hoạt động cho vay nội bộ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động