Phục dựng các nghi thức truyền thống của Lễ hội Chùa Láng
Hơn 1 triệu du khách tham quan chùa Hương mùa lễ hội 2023 Khám phá Lễ hội ẩm thực Pháp tại Hà Nội |
Nhiều nghi thức đặc sắc
Chùa Láng – Ngôi cổ tự được xây dựng vào thời vua Lý Anh Tông (1138-1175) – mang nhiều tên gọi như chùa Cả, Chiêu Thiền Tự, nổi tiếng với một bề dày lịch sử gần 900 năm. Tọa lạc tại số 112 phố Chùa Láng (Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội), chùa thờ đức Thiền sư Từ Đạo Hạnh và hóa thân của ngài là vua Lý Thần Tông với những câu chuyện huyền sử nhuộm màu tâm linh kỳ ảo được lưu truyền trong dân gian nhiều thế kỷ. Từ năm 1962, chùa Láng đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Hàng năm, Lễ hội Chùa Láng thu hút nhiều sự quan tâm của Phật tử, khách du lịch gần xa.
Người dân đón chờ xem phần thi Thổi Cơm với những điệu múa đầy sinh động |
Tục xưa đã truyền, cứ đến tiết Thanh minh tháng 3, ngày mùng 7 hàng năm, lễ hội chùa Láng được tổ chức để tưởng nhớ tới Thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của đất và người vùng Kẻ Láng. Lễ hội đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2019. Qua đó, Lễ hội Chùa Láng sẽ có cơ hội phát huy hơn nữa vai trò của di sản văn hóa đối với công tác giáo dục truyền thống, lan tỏa giá trị văn hóa lịch sử đến người dân Thủ đô và cả nước.
Xưa kia, hội thường được tổ chức trong 10 ngày, được các ngôi làng Láng Thượng, Trung, Hạ cùng chung tay thực hiện. Hiện nay, hội được tổ chức gọn trong 3 ngày, từ ngày 6 - 8/3 (âm lịch).
Trình diễn trống hội tại lễ hội chùa Láng |
Nhằm tái hiện lại cuộc đời phi thường của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, lễ hội mang nhiều nét văn hóa "độc nhất vô nhị, có thể nói đến nghi thức “đấu thần” sẽ diễn ra tại khu vực chùa Thánh Tổ - nơi thờ Pháp sư Đại Điên. Nghi thức sẽ mô phỏng lại trận đấu căng thẳng trong huyền sử giữa Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Pháp sư Đại Điên. Tiếng pháo thăng thiên sẽ nổ vang trong nửa tiếng đồng hồ từ lúc đoàn rước hướng sang chùa Thánh Tổ tới lúc quay trở lại kết thúc hành trình lễ rước.
Bắt đầu từ ngày 6/3, ba làng Thượng – Trung – Hạ sẽ cùng đặt lễ lên kiệu, khởi động lễ hội bằng nghi thức múa rồng, lân lộng lẫy. Đêm ngày 6 rạng ngày 7/3 vào đúng 0h, lễ Mộc Dục sẽ được thực hiện bởi 5 vị chức sắc cao niên của các làng. Đây là phần hết sức quan trọng của lễ hội, tái hiện lại thần tích tái sinh chuyển kiếp của Thiền sư Từ Đạo Hạnh trở thành vua Lý Thần Tông. Lễ Mộc Dục mở đầu cho chính hội với hàng loạt nghi thức, lễ dâng hương của người dân diễn ra trong suốt ngày mùng 7.
Ngày cuối hội mùng 8 sẽ dành hoàn toàn cho các hoạt động vui chơi, thi đấu truyền thống như đấu võ, chọi gà, cờ người, đập niêu, đặc biệt có tục thổi cơm thi, vừa đi vừa thổi cơm quanh nhà Bát giác, vừa múa hát…
Tượng thờ ba hóa thân của đức Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Từ trái qua Kiếp Thánh - Kiếp Vua - Kiếp Phật. |
Phục dựng nét văn hóa xưa
Hội Chùa Láng xưa thường được tổ chức hoành tráng vào các dịp 10, 15 năm. Trải qua hàng trăm năm, lễ hội Chùa Láng có những giai đoạn bị gián đoạn trong thực hành tín ngưỡng bởi rất nhiều nguyên nhân. Gần đây nhất là khoảng thời gian từ năm 1953 đến nay, chùa Láng thường chỉ tổ chức hội lệ, chỉ bao gồm các hoạt động tế, lễ tại chùa; ngoài ra các nghi thức rước, tục hèm không được thực hành đầy đủ.
Năm 2023 sẽ đánh dấu lần đầu tiên sau 70 năm, công tác tổ chức sẽ được quận Đống Đa triển khai chỉn chu nhằm khôi phục lại đầy đủ các nghi thức độc đáo của lễ hội này. Lễ hội hứa hẹn sẽ đem đến một bầu không khí mới mẻ, vui tươi vào dịp cận nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương sắp tới.