Phụ huynh nên "mở cửa" để con cái tiếp cận gần hơn với thế giới xung quanh
Năm mới - thời điểm lý tưởng để bạn trẻ đặt mục tiêu Phụ huynh lo ngại bữa ăn thiếu chất, mất an toàn |
Những vòng tay “siết chặt”
Anh Nguyễn T.H và chị Trần N.T (Thanh Xuân) đã có hai con ở độ tuổi 16 và 11 tuổi. Tuy con đã lớn, nhưng trong lòng chị T luôn lo lắng có phần quá mức về những rủi ro có thể xảy ra với hai con. Chị không để con làm việc nhà vì sợ con gặp cháy nổ, ngã, đứt tay... Trong nhà luôn có người bảo mẫu túc trực chăm sóc để hai bạn trẻ “chuyên tâm” ăn, học, ngủ theo sự kiểm soát của mẹ. Thậm chí, khi đi ra đường, theo lời anh H, chị T còn "bọc con lớp trong, lớp ngoài" vì lo sợ hai bạn đi mưa, nắng, bụi bị ốm.
Giám sát con cái 24/7 được nhiều phụ huynh cho rằng là việc cần thiết để đảm bảo an toàn cho con |
Chia sẻ về phương pháp dạy con của vợ, anh H cho biết, bản thân đã khuyên chị T rất nhiều về việc cho con có cơ hội được tự lập và tự do ở mức cho phép. Nhưng đổi lại là muôn vàn lý do và sự lo lắng, than thở từ chị. Chị T cho rằng anh không đủ nhạy cảm để hiểu những nguy cơ cuộc sống có thể gây ra cho hai con và sự quản lý của chị chỉ để đảm bảo con được an toàn.
“Hai con tôi tuy học rất tốt và ngoan ngoãn nhưng lại thiếu sự chủ động và quyết đoán” – anh H nói – “Tôi luôn mong muốn con được tự do khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh. Tôi ủng hộ con đi những chuyến dã ngoại, tham quan cùng bạn bè và nhà trường. Nhưng theo vợ tôi thì việc con đi không có bố mẹ quản lý là quá nguy hiểm. Chúng tôi đã tranh luận rất nhiều về phương pháp dạy con nhưng đều không tìm được tiếng nói chung. Các con tôi ngày càng thu mình và hiếm khi trao đổi gần gũi với bố mẹ, chấp nhận sự sắp đặt của bố mẹ. Điều này làm tôi hết sức lo lắng”.
Trẻ sẽ dễ trở nên bướng bỉnh, nổi loạn vì bị thiếu tự do, cấm đoán lâu ngày gây ức chế tinh thần |
Nếu các bậc cha mẹ bao bọc quá mức, không cho giới trẻ có tính tự chủ, khám phá, các bạn có thể trở nên phụ thuộc, thiếu trách nhiệm. Đồng thời có thể ảnh hưởng đến lòng tự tôn cũng như những khả năng ra quyết định, phát triển các mối quan hệ xã hội về sau.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có câu nói rất nổi tiếng là: "Tình yêu của bạn phải khiến cho người yêu cảm thấy tự do". Vòng tay của phụ huynh càng siết chặt hơn khi lúc nào cũng có suy nghĩ con mình còn nhỏ, chờ con lớn hơn thì mới có thể cho con “bước vào đời”. Nhưng lại quên mất rằng đứa trẻ chẳng thể nào lớn khi bị tách khỏi môi trường sống của chính nó khi nó không được trải nghiệm, đối diện với cuộc sống thực tế.
Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ được nuông chiều, bao bọc quá mức phải vật lộn với hàng loạt vấn đề suốt đời. Những người trưởng thành được nuông chiều quá mức khi còn nhỏ cho biết, họ có cảm giác bất mãn thường xuyên. Nhiều người trong số này cho biết thường chi tiêu quá nhiều. Ngoài ra, nhiều người luôn cảm thấy bất hạnh và gặp khó khăn trong việc đương đầu với thực tế.
Thế giới tự nhiên là một người thầy vĩ đại
Môi trường học tập tại Việt Nam tuy đang có những sự biến chuyển tích cực mạnh mẽ về phương pháp dạy và học, nhưng đa số vẫn đang theo lối mòn “học chay”. Phương pháp học chỉ chuyên sâu về lý thuyết và những tính toán con số, thiếu hoạt động thực hành khiến nhiều học sinh chán nản, cảm thấy áp lực vì khối lượng kiến thức khô khan phải “tiêu hóa” mỗi ngày.
Tại các nước phát triển như Thụy Điển, Canada,... giới trẻ trong độ tuổi từ 4 đến 17 tuổi luôn được khuyến khích ra ngoài khám phá thế giới xung quanh. Nhà trường và các gia đình học sinh luôn dành thời gian cùng đi dã ngoại, ngắm sao, tìm hiểu về các loài chim bản địa,... định kỳ mỗi tháng hoặc mỗi tuần. Những hoạt động này nhằm gắn kết tình thân, đồng thời là lớp học ngoài tự nhiên đầy bổ ích cho giới trẻ phát huy năng khiếu của mình.
Học tập ngoài trời là phương pháp hiệu quả giúp trẻ có được lượng kiến thức khổng lồ mà không hề gây nhàm chán |
Một mô hình phổ biến chính là “Forest School” (Trường học trong rừng) được áp dụng rộng rãi trên thế giới tại Mỹ, Nhật Bản,.... Mô hình này hướng đến những chuyến khảo sát, học tập thực tế tại các địa điểm tự nhiên, giúp học sinh kích thích trí tò mò và sự hiểu biết trực quan về môi trường xung quanh. Việc áp dụng dạy và học tại các điểm ngoại ô, nông thôn,... đã giúp học sinh phát triển kỹ năng sống và tình yêu thiên nhiên đặc biệt.
Cô Emma Harwood và cô Hayley Staniforth-Room - đồng quản lý Trường mầm non Dandelion |
Có thể nói đến Trường mầm non Dandelion tại Nortfolk, Anh, được điều hành bởi hai nhà giáo Emma Harwood và Hayley Staniforth-Room. Ngôi trường độc đáo này không chú trọng đến khái niệm "trong nhà". Thay vào đó, không có bàn ghế, bảng, sách bút, mà lớp học ở đây được định nghĩa bởi ngọn lửa, cây cỏ để leo lên, bồn rửa dành sau những trận chơi trong bùn đất, sân khấu nhỏ, lều trại và thậm chí là nhà vệ sinh, tất cả đều nằm ở ngoài trời.
Bà Emma Hardwoood và đồng đội đã nhận ra những ưu điểm của phương pháp "trường học trong rừng" trước khi quyết định thành lập ngôi trường độc đáo này. Bà nhận thấy sự khác biệt đáng kể ở những đứa trẻ học theo phương pháp này, đó là: chúng tự trọng hơn, có khả năng đánh giá rủi ro và ra quyết định tốt hơn. Học tập trong môi trường rừng, mọi đứa trẻ được coi trọng, thể hiện cái tôi độc đáo, được công nhận giá trị; có khả năng khám phá, trải nghiệm thử thách phù hợp; đưa ra lựa chọn và tiếp cận học tập theo cách riêng của mình; phát triển mối quan hệ tích cực với thiên nhiên.
Một lớp học của trường Dandelion |
Tìm hiểu về tự nhiên qua những góc nhìn nhỏ nhất |
Bà cũng ấn tượng với khả năng tiếp thu và nhận thức về an toàn của trẻ. “Chúng ta đang đánh giá quá thấp về khả năng của trẻ. Có thể chúng sẽ gặp phải những nguy hiểm như cây tầm ma hay bụi gai. Cha mẹ cần hiểu rằng quá trình học tập và phát triển cũng mang theo một số rủi ro. Trong 7 năm làm việc, tôi chưa gặp vấn đề nghiêm trọng nào hơn các vết bầm tím”.
Ngoài việc hầu hết các hoạt động diễn ra ngoài trời, trường Dandelion còn thực hiện phương pháp giáo dục “Triết lý vì trẻ em”, hay còn gọi là P4C (Philosophy for children). Trẻ em được khuyến khích tham gia vào cuộc trò chuyện phong phú, ý nghĩa với bạn bè và người lớn, những người có thể hiểu được trẻ muốn gì và cần gì trong từng giai đoạn phát triển.
Các em học sinh đã phát triển nhiều kỹ năng sinh tồn, khám phá từ khi còn rất nhỏ |
Mọi người sẽ cùng nhau chia sẻ suy nghĩ về nhiều lĩnh vực khác nhau: môi trường, âm nhạc, sách, hình ảnh,… trong một nhóm nhỏ. Mỗi em sẽ có thời gian để nghiền ngẫm về suy nghĩ của mình trước khi đưa ra những câu hỏi mở. Người lớn có vai trò hỗ trợ và mở rộng cuộc trò chuyện, giúp các em áp dụng các kinh nghiệm học tập phù hợp với riêng mình, khuyến khích các em bàn luận để hiểu về thế giới xung quanh.
Các kỹ năng mà trẻ sẽ phát triển thông qua phương pháp P4C có giá trị lâu dài và sẽ có ích khi chúng lớn lên, vượt qua giai đoạn thơ ấu và tiến vào thời kỳ trưởng thành. Trẻ sẽ được nuôi dưỡng sự tự tin, khuyến khích phát triển ý kiến; phát triển lòng nhân ái, khoan dung, sự tôn trọng và một tư duy linh hoạt; phát triển trí tưởng tượng để khám phá những ý tưởng; phát triển khả năng phân tích, suy luận; phát triển trí tuệ, cảm xúc và khả năng nhận thức về thế giới xung quanh.
Theo các chuyên gia, cha mẹ nuôi dạy con theo cách ngăn cản việc phải trải qua bất kỳ lo lắng nào là hành vi không lành mạnh. Điều quan trọng là cho phép con mình tự do là một đứa trẻ. Bao bọc con quá mức có thể ngăn trẻ trải qua một tuổi thơ phong phú và đầy đủ để chuẩn bị cho chúng trở thành một người lớn có trách nhiệm hơn.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn (Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP HCM) phân tích, đừng nghĩ việc cha mẹ bao bọc con cái quá mức là tình thương trọn vẹn mà đó là việc tước đi những cơ hội để con rèn luyện kỹ năng sống, nhân cách và sự trưởng thành nói chung. Hãy giúp trẻ hình thành những kỹ năng cần thiết và bản lĩnh để vào đời, để đối đầu thay vì quá bao bọc, chở che. Điều đó làm cho trẻ cảm thấy mình trưởng thành một cách đúng nghĩa...
”Khi con trẻ vào đời, đi thi, lập gia đình, nghĩa là trẻ cần cuộc sống độc lập. Chúng ta không thể sống giùm trẻ, càng không thể lo mọi thứ cho trẻ để con cái ỷ lại, mè nheo và mất dần sự tự lập cũng như việc chịu trách nhiệm trước cuộc sống. Chính con trẻ biết mình cần gì, muốn gì, thích gì và chung sống với ai là phù hợp. Điều đó sẽ giúp con cái sống đúng nghĩa với hạnh phúc của mình. Con cái cần được tôn trọng. Sự tôn trọng này cũng là thương yêu” – ông Sơn nhấn mạnh.