Phụ huynh lo ngại bữa ăn thiếu chất, mất an toàn
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông yêu cầu chấn chỉnh ngay Kiểm tra, khảo sát chất lượng an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú Chung tay đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú |
Bữa ăn “lèo tèo”, thiếu dinh dưỡng
Đó là phản ánh của phụ huynh trường THCS Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội) về bữa ăn bán trú cho học sinh. Theo đó, 1 suất cơm bán trú có mức giá 32.000 đồng, chỉ bao gồm 1 miếng giò, 1 ít khoai tây và 3 - 4 miếng cá chiên giòn, lèo tèo vài ba sợi giá. Hôm khác, thực đơn vẫn chỉ là một ít khoai tây, 3 - 4 miếng cá chiên giòn nhỏ và thay miếng giò bằng một miếng thịt nhỏ.
Suất ăn bán trú khiến phụ huynh bức xúc vì con ăn không đủ no (Ảnh do phụ huynh cung cấp) |
Biên bản kiểm tra công tác bán trú của đại diện phụ huynh và nhà trường cũng đã nêu rõ, tổng số suất ăn là 500 suất. Số lượng thực phẩm sống gồm: Cá rô phi 29kg, giò nạc 12,5kg, nạc mông 0,5kg (dùng để nấu canh). Đáng chú ý, trong đó, số cá thiếu so với định lượng là 3,5kg.
Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, ngày 12/10/2023, sau khi nhận được phản ánh của phụ huynh trường THCS Yên Nghĩa về việc bữa ăn bán trú của học sinh tại trường, phòng đã phối hợp với Trung tâm y tế quận Hà Đông, Trạm Y tế phường Yên Nghĩa tổ chức kiểm tra đột xuất để xác nhận thông tin được phản ánh, yêu cầu nhà trường chấn chỉnh công tác bán trú.
Sự việc vẫn chưa kịp “nguội” thì ngay sau đó những thông tin về nhiều học sinh trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội) bị ngộ độc thực phẩm lại xôn xao trên các phương tiện truyền thông khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Tối 16/10, trường Tiểu học Thành Công B đã có báo cáo sơ bộ về sự việc. Theo báo cáo của trường, khoảng 22 giờ Chủ nhật (ngày 15/10), nhà trường nhận được phản ánh của phụ huynh qua nhóm riêng của lớp về việc một số học sinh có biểu hiện bị đi ngoài.
Cô Phạm Minh Thảo - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B cho biết, ngay trong đêm nhà trường đã có rà soát, nắm bắt tình hình học sinh có hiện tượng như trên; Đồng thời, hướng dẫn phụ huynh theo dõi sức khỏe học sinh.
"Thứ 7 (ngày 14/10) nhà trường có tổ chức họp phụ huynh. Tuy nhiên, buổi họp không ghi nhận ý kiến phản ánh nào về an toàn thực phẩm liên quan đến bữa ăn bán trú trưa 13/10.
Đến tối 15/10, nhà trường nhận được phản ánh qua một số giáo viên chủ nhiệm lớp. Dù ngày nghỉ, nhà trường cũng nhắc nhở phụ huynh theo dõi sức khỏe học sinh, nếu có gì bất thường phải đưa các em ra viện khám và điều trị và kịp thời...", cô Thảo chia sẻ.
Trước thông tin phản ánh học sinh cả trường Tiểu học Thành Công B bị ngộ độc, cô Phạm Minh Thảo khẳng định, thông tin trên là chưa chính xác. Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B cho hay, có 10 học sinh vào viện thăm khám đến chiều 16/10 chỉ có 1 - 2 học sinh đang được theo dõi tại viện và hiện sức khỏe đã ổn định.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B cũng cho biết: "Hiện có một số phụ huynh học sinh đưa con đến thăm khám bệnh viện, tuy nhiên chưa xác định được tác nhân gây sự cố mất ATTP.
Nhiều phụ huynh đề nghị các nhà trường công khai thực đơn để thực hiện việc giám sát chất lượng bữa ăn bán trú (Ảnh minh họa) |
Hiện, nhà trường đã mời đoàn điều tra ngộ độc thực phẩm của Trung tâm Y tế quận Ba Đình phối hợp cùng đơn vị cung cấp suất ăn làm rõ nguyên nhân và tác nhân gây ngộ độc nếu có; Đồng thời giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm các lớp theo dõi báo cáo sức khỏe học sinh, đặc biệt học sinh thăm khám tại bệnh viện (nếu có)...".
Phụ huynh lo lắng
Dù sự việc suất ăn “lèo tèo” ở trường THCS Yên Nghĩa đã được quận Hà Đông kiểm tra, chấn chỉnh và vụ việc học sinh ngộ độc thực phẩm đang được trường Tiểu học Thành Công B điều tra, làm rõ nguyên nhân nhưng những sự việc liên tiếp xảy ra với học sinh trong các nhà trường khiến phụ huynh học sinh không khỏi băn khoăn, lo lắng.
Chị Nguyễn Hồng Nhung (ở quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy trên hội nhóm, các phụ huynh chia sẻ suất ăn của học sinh chỉ có 1 cây xúc xích, ít mỳ Ý và sốt thịt bò mà thấy thương con. Dù đó là món trẻ con rất thích, theo tôi cũng không nên đưa vào thực đơn. Suất ăn của học sinh nên được tính toán, cân bằng dinh dưỡng, có đầy đủ rau và hạn chế đồ ăn nhanh”.
Tương tự, anh Đỗ Tuấn Anh (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng bày tỏ: “Suất ăn dành cho học sinh THCS như ở trường Yên Nghĩa là khó chấp nhận. Tôi chắc chắn với từng ấy đồ ăn, học sinh cấp 2 không thể đủ no để học tiếp buổi chiều. Nhà trường nên nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng bữa ăn vì học sinh”.
Lo lắng cho chất lượng bữa ăn bán trú ở các nhà trường, chị Hoàng Thị Hải Hà bày tỏ: "Những sự việc chỉ phát hiện, chấn chỉnh khi có đoàn đi kiểm tra đột xuất. Vậy còn bao nhiêu ngày khác thì ai giám sát chất lượng bữa ăn?
Tôi có 2 con đang học tiểu học, thật sự cũng rất lo lắng không biết ở trường con ăn gì, có đảm bảo hay không. Tuy nhiên, nhiều lần phản ánh lên ban đại diện phụ huynh lớp, đề nghị nhà trường cung cấp thực đơn bán trú cho phụ huynh nhưng không nhận được phản hồi. Tôi đề nghị ngành Giáo dục, các đơn vị chức năng cần có quy định rõ, yêu cầu trách nhiệm của nhà trường cung cấp thực đơn cho phụ huynh để chúng tôi được thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát an toàn bữa ăn cho con, em mình”.