Phóng viên “chiến trường” tại SEA Games 31 - chuyện bây giờ mới kể

“Nằm vùng” gần nửa tháng trong kỳ SEA Games 31, những “chiến binh” thầm lặng của các cơ quan thông tấn, báo chí đã mang đến cho độc giả trên cả nước những thông tin nóng hổi, chân thực nhất. Đằng sau đó là những cống hiến không biết mệt mỏi của những người cầm bút.
Tự hào là phóng viên “báo Đoàn” Hà Nội thân thiện và hiếu khách trong mắt phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại SEA Games

Phóng viên tay ngang xông pha “trận địa”

Là phóng viên theo dõi mảng giáo dục nhưng khi được lãnh đạo cơ quan thường trú giao nhiệm vụ đưa tin về bộ môn Billiard Sports, nhà báo Nguyễn Cúc – phóng viên cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội đã có những chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi tác nghiệp.

“Khi nhận nhiệm vụ này, trước ngày khai mạc bộ môn, tôi đã đến Nhà thi đấu Hà Đông để nắm rõ địa điểm thi đấu và cũng chính là nơi mình tác nghiệp. Bên cạnh đó, tôi cũng đã tìm hiểu thêm về lịch thi đấu, danh sách các đội tuyển tham dự, một số đặc điểm của các vận động viên các đội tuyển nói chung, cũng như số lượng, các hạt giống, các vận động viên có khả năng giành huy chương của đội tuyển Việt Nam nói riêng để xây dựng các tuyến bài.”, phóng viên Nguyễn Cúc chia sẻ.

Phóng viên Nguyễn Cúc phỏng vấn cơ thủ Nguyễn Đức Anh Chiến sau trận bán kết nội dung carom 3 băng. Ảnh: Khuất Việt Quý
Phóng viên Nguyễn Cúc phỏng vấn cơ thủ Nguyễn Đức Anh Chiến sau trận bán kết nội dung carom 3 băng. Ảnh: Khuất Việt Quý

Để truyền tải đúng – trúng những thông tin, nữ phóng viên đã đọc rất nhiều sách cũng như tài liệu hướng dẫn kĩ thuật về bộ môn Billiards Sports. Trong những ngày tác nghiệp, tuy bộ môn này không được sắp xếp bộ phận thư ký, nhưng với mong muốn cập nhật chính xác tỷ số, từng đường cơ, từng điểm của mỗi cơ thủ một cách nhanh nhất, chị Cúc cố gắng trao đổi với các lãnh đội và tìm ra đường link trang web Liên đoàn Billiard Châu Á.

Khi truy cập vào trang web, nữ nhà báo sinh năm 1978 dễ dàng nắm bắt được thông tin về trận đấu, kết hợp tác nghiệp ngay tại sân thi đấu, chính vì vậy, ngay khi trao huy chương thì tin tức đã được hoàn thiện, đáp ứng mục tiêu đưa tin “nhanh – đúng – trúng – hay” của Thông tấn xã Việt Nam.

Khi được hỏi về quãng thời gian tác nghiệp, nữ phóng viên chia sẻ: “Để viết được một tin hay, phản ánh đầy đủ các phương diện từ cơ thủ, những đánh giá chuyên môn của lãnh đội đến khán giả, phóng viên bắt buộc phải ngồi theo dõi từng lượt cơ, chọn vị trí ngồi cạnh những vận động viên “lão làng” và nghe họ nhận xét, từ đó mới đánh giá được trận đấu. Chính vì thế, có những ngày tôi về rất muộn.”.

Thêm vào đó, có những ngày, trận đấu bắt đầu vào lúc 10h00, nhưng cũng có những trận bắt đầu vào lúc 18h00; có những nội dung diễn ra chỉ 2 tiếng nhưng cũng có những trận đấu kéo dài hơn 4 tiếng. Chính những điều này đã đặt ra cho chị Cúc “bài toán” về việc sắp xếp thời gian chăm sóc cho con cái như thế nào.

Gia đình chị hiện có 2 cô con gái đang chuẩn bị cho kì thi cuối cấp cùng một cậu con trai còn bé. “Tôi đã phải dành thời gian để có một cuộc trò chuyện trước với các con, để các con hiểu là công việc của mẹ trong những ngày tới như thế nào, mẹ sẽ phải đi sớm về muộn ra sao hay là phải có những bữa cơm các con sẽ phải tự chuẩn bị… Các con sẽ phải chủ động hơn để mẹ yên tâm công tác.”, chị Cúc chia sẻ việc làm “công tác” tư tưởng cho các con trước ngày tác nghiệp tại SEA games 31.

Nữ phóng viên Nguyễn Cúc tác nghiệp tại Nhà thi đấu Hà Đông
Nữ phóng viên Nguyễn Cúc tác nghiệp tại Nhà thi đấu Hà Đông

Chính tình yêu nghề chính là liều thuốc bổ, xua tan mọi khó khăn, vất vả trong quá trình tác nghiệp. Khi được hỏi, có một số người cho rằng, phụ nữ theo nghiệp báo sẽ rất vất vả, nhà báo Nguyễn Cúc khẳng định “Nếu yêu nghề, nếu tâm huyết, hạn chế đấy không là gì cả.”.

Nữ phóng viên cho biết thêm: “Giống như khi nhận thông tin mình được tác nghiệp tại SEA games, trong đầu tôi đã nghĩ sẽ phải sắp xếp việc gia đình như thế nào, chăm sóc con cái ra sao. Chỉ nghĩ đến việc sắp xếp việc nhà để có thể yên tâm tác nghiệp chứ không phải nghĩ đến những khó khăn để từ chối công việc được giao.”

Những ngày không quên

Đó là cảm xúc của anh Đỗ Hữu Phú, phóng viên theo mảng Quốc tế, Văn hóa , báo Phụ nữ Thủ đô về những ngày tác nghiệp tại SEA Games 31.

Những ngày Đại hội Thể dục thể thao Đông Nam Á diễn ra cũng là thời gian phóng viên sinh năm 1996 này thực hiện các tin bài tổng hợp, đánh giá của báo chí cũng như của vận động viên, huấn luyện viên, du khách nước ngoài về công tác tổ chức SEA Games của nước chủ nhà Việt Nam. Đồng thời, nam phong viên cũng tham gia đưa tin trực tiếp các môn thi đấu cùng các sự kiện bên lề.

Nhắc lại quãng thời gian tác nghiệp tại SEA Games 31, nam phóng viên trẻ cho biết, đã có lúc cảm thấy khá áp lực vì yêu cầu số lượng bài nhiều, thông tin phải nhanh và bao quát hầu khắp các hoạt động của SEA Games như các môn thi đấu, hoạt động bên lề và cảm nhận của người nước ngoài khi tới Việt Nam trong dịp SEA Games.

Phóng viên Đỗ Phú – Báo Phụ nữ Thủ đô
Phóng viên Đỗ Phú – Báo Phụ nữ Thủ đô

Vẫn còn trong cảm giác lâng lâng của lần tác nghiệp SEA Games đầu tiên trong đời, phóng viên Đỗ Phú không tránh khỏi lo lắng và hồi hộp trước khi “lên đường”. “Do đặc thù SEA Games được tổ chức ở 12 tỉnh, thành nên tôi khó có thể “phân thân” và đi hết đến các địa phương có môn thi đấu. Cũng là lần đầu tiên tác nghiệp tại sự kiện tầm cỡ như vậy và chưa từng theo dõi mảng thể thao nên tôi cũng còn nhiều bỡ ngỡ.”, nam phóng viên chia sẻ.

Tuy nhiên, khi có nhiều cơ hội được tiếp xúc với các phóng viên, nhà báo trong và ngoài nước, đồng thời tham khảo những trang thiết bị “khủng” được phóng viên nước bạn kỳ công mang sang từ quê nhà, nam phóng viên cho biết, mình học hỏi thêm được rất nhiều kinh nghiệm làm nghề. Anh cảm thấy vô cùng may mắn khi được tác nghiệp tại một kỳ đại hội thể thao hoành tráng và được hỗ trợ cũng như hậu thuẫn rất nhiều.

Đại hội thể thao Đông Nam Á lần này cũng mang đến cho anh những ấn tượng khó quên, không chỉ về sự chuyên nghiệp và hiện đại trong khâu tổ chức, mà còn là những dấu ấn khó quên trong sự nghiệp làm báo.

Không phủ nhận những khó khăn trong quá trình tác nghiệp, nam phóng viên chỉ cười xòa lắc đầu: “Là công việc và niềm đam mê nên tôi chấp nhận nó rất bình thường. Quan trọng là tìm mọi cách để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ”.

Đình Trung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động