Phó Thủ tướng thúc tiến độ cổ phần hóa Agribank
Hà Nội: Cần vào cuộc điều tra vụ dân ''tố'' dấu hiệu lừa đảo tại Agribank Ứng Hòa - Hà Tây Ngoài cho vay kiểu “ném tiền qua cửa sổ”, Agribank còn những sai phạm gì? |
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2020; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý để tháo gỡ khó khăn trong triển khai và làm cơ sở xây dựng, phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn cho giai đoạn 2021-2025; đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) theo kế hoạch.
Agribank chi nhánh huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. |
Được biết, theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ thì đến hết năm 2020, Agribank sẽ phải thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước chỉ còn giữ 65% vốn điều lệ trở lên.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) mới đây, Agribank cùng với một số doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như: VNPT, Vinachem, TKV, Vinafood 1, Mobifone... hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp.
Trở lại với Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy định về đất đai trong cổ phần hóa, thoái vốn để có hướng dẫn, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong công tác này.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án xử lý nhà, đất, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý trong việc kiểm tra hiện trạng nhà, đất; kịp thời có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp, phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa.
Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), trong 7 tháng đầu năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 6 doanh nghiệp, trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg.
Tính lũy kế giai đoạn 2016 - tháng 7/2020, đã có 177 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là trên 443,5 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là trên 207,1 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 177 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 37/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28% kế hoạch). Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch 5 tháng còn lại năm 2020 là 91 doanh nghiệp.
Về tình hình thoái vốn, theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp, trong 7 tháng/2020, có 10 doanh nghiệp thuộc danh mục phải thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 với giá trị 260 tỷ đồng, thu về 678 tỷ đồng.
Trong 7 tháng đầu năm 2020, các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 601 tỷ đồng, thu về 1.110 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - tháng 7/2020 sẽ phải thoái 25,63 nghìn tỷ đồng, thu về trên 172,8 nghìn tỷ đồng.