Hà Nội: Cần vào cuộc điều tra vụ dân ''tố'' dấu hiệu lừa đảo tại Agribank Ứng Hòa - Hà Tây
Hà Nội: Người dân "tố" có dấu hiệu lừa đảo tại Agribank Ứng Hòa - Hà Tây |
Có nhiều tình tiết bất minh
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin về đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Kiền (60 tuổi, xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội) về vụ việc mà ông cho là có dấu hiệu lừa đảo tại Phòng giao dịch Cầu Lão, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Ứng Hòa - Hà Tây.
Theo đó, vào năm 2012, ông Kiền do có mua nợ thức ăn chăn nuôi của vợ chồng anh Đặng Văn Hùng và chị Nguyễn Thị Thự (trú tại thôn Nghi Lộc, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa). Sau đó, ông Kiền được vợ chồng anh Hùng, chị Thự hướng dẫn đến Phòng giao dịch Cầu Lão, Agribank Ứng Hòa - Hà Tây để làm thủ tục vay vốn để trả nợ.
Tại Phòng giao dịch Cầu Lão, ông Kiền được anh Nguyễn Tấn Lạc (cán bộ ngân hàng) hướng dẫn làm các thủ tục vay vốn.
Ngày 24/2/2012, ông Kiền đã ký kết Hợp đồng thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận số AL 4344309. Hợp đồng công chứng số 00101.2012, quyển số 01 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 24/02/2012 tại Văn phòng công chứng Trần Gia.
Đồng thời, ngày 27/2/2012, ông Kiền ký kết Hợp đồng tín dụng số NAV201200069 với ngân hàng vay số tiền 200.000.000 đồng; Thời hạn vay 36 tháng; Mục đích vay là mua lợn nái; Lãi suất 18%/năm (nếu lãi suất cơ bản thay đổi thì sẽ điều chỉnh cho phù hợp); Lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất thỏa thuận.
Ông Nguyễn Văn Kiền bức xúc chia sẻ với phóng viên. |
Sau khi làm các thủ tục vay, ngân hàng đã mở cho ông Kiền 2 tài khoản để trả nợ (tài khoản số 1 và số 2). Sau đó, ông Kiền được anh Nguyễn Tấn Lạc hướng dẫn ký một số giấy tờ giải ngân, trong đó có: Chứng từ giao dịch với nội dung giải ngân 200.000.000 đồng bằng tiền mặt; Giấy nộp tiền ghi số tiền 14.000.000 đồng vào tài khoản số 1 và giấy gửi tiền 500.000 đồng vào tài khoản số 2.
Đáng nói, theo ông Kiền, mặc dù ký các giấy tờ trên nhưng trong thực tế ông không được nhận bất kỳ số tiền nào tại Phòng giao dịch Cầu Lão. "Người dân quê thiếu am hiểu pháp luật nên nghe anh Lạc nói ký vào giấy tờ gì tôi cũng ký. Tôi ký vào chứng từ giao dịch giải ngân nhưng ngồi mãi ở đó không thấy thủ quỹ báo nhận tiền nên tôi đi về. Từ đó, tôi cứ ngỡ mình chưa lấy tiền là mình chưa vay được tiền nhưng tai họa lại ập đến'', ông Kiền chia sẻ.
Theo ông Kiền, mọi chuyện mới vỡ lở khi sau một thời gian dài không vay được tiền ông bất ngờ bị ngân hàng thông báo nợ tiền. "Lúc đó tôi mới ngớ người ra vì khoản vay 200 triệu đồng của mình vẫn có người nhận tiền và trả nợ gốc, lãi mà không ai khác người trả nợ lại là anh Lạc và chị Thự'', ông Kiền cho biết.
Ông Kiền sau đó đã nhiều lần đến ngân hàng để yêu cầu làm rõ người vay tiền là ai nhận chứ không phải ông. Tuy nhiên, ngân hàng lại cho rằng ông Kiền đã nhận tiền dù ông kiên quyết khẳng định không vay và đề nghị cung cấp camera ghi lại việc ông nhận tiền và bảng kê loại tiền mặt đã nhận tại quầy giao dịch nhưng ngân hàng không cung cấp được.
"Từ năm 2012 đến nay, ngân hàng cho tôi biết nhiều lần anh Đặng Văn Hùng, chị Nguyễn Thị Thự và cán bộ ngân hàng Nguyễn Tấn Lạc đã tự nộp tiền vào tài khoản của tôi để trả nợ gốc và lãi. Họ không phải là người vay tiền tại sao lại đi trả nợ, bảo họ trả nợ giúp tôi là không đúng vì tôi không ủy quyền cho họ, mà tôi cũng có nhận được tiền vay đâu mà phải ủy quyền người khác trả nợ thay'', ông Kiền bức xúc.
Cũng theo ông Kiền, nếu ngân hàng khẳng định ông đã nhận tiền mặt tại phòng giao dịch thì ngoài chứng từ giao dịch giải ngân còn phải có giấy tờ “bảng kê chi tiền mặt” tại quầy thủ quỹ có chữ ký của tôi, nhưng phía ngân hàng không cung cấp được. "Đó là giấy tờ quan trọng chứng minh khách hàng đã nhận được tiền nhưng họ không cung cấp được và nói đã bị thất lạc", ông Kiền nói thêm.
Agribank Ứng Hòa - Hà Tây. |
Đặc biệt, theo ông Kiền, ông không chỉ là nạn nhân duy nhất mà còn một số người khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. "Nhiều người dân cho chị Nguyễn Thị Thự mượn sổ đỏ để cầm cố vay ngân hàng nhiều tỷ đồng, chị có hứa sẽ trả lãi và gốc đầy đủ nhưng sau khi làm ăn khó khăn lại không trả được, và chị ta có thể dễ dàng vay được tiền do có cán bộ ngân hàng Nguyễn Tấn Lạc giúp'', ông Kiền cho biết.
Cũng tại đơn thư, ông Kiền cho biết, đến nay, ngân hàng vẫn tiếp tục đòi nợ ông và chiếm giữ tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất đã thế chấp. "Tôi đã làm đơn đến nhiều nơi, tố cáo công an, khởi kiện ra cả tòa án nhưng họ có dấu hiệu bao che cho nhau nên tôi luôn là người thua cuộc, nhưng tôi không chấp nhận trả nợ vì tôi không nhận tiền vay. Tôi sẽ tố cáo đến khi nào đòi lại được công bằng và sự thật, thậm chí tố cáo lên cả Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng", ông Kiền bức xúc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Nguyễn Văn Kiền đã khởi kiện lên tòa án yêu cầu phán quyết ông không có nghĩa vụ trả số tiền vay 200.000.000 đồng cho Agribank Ứng Hòa - Hà Tây và ngân hàng phải trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp. Tuy nhiên, cả tòa sơ thẩm (TAND huyện Ứng Hòa) và phúc thẩm (TAND TP Hà Nội) đều bác các yêu cầu khởi kiện của ông Kiền.
"Cả hai cấp tòa họ đều không làm rõ chi tiết tôi nhận tiền thế nào, bảng kê loại tiền chứng minh tôi nhận tiền họ cũng bỏ qua. Hơn nữa, tôi chỉ được tham gia phiên sơ thẩm, còn phúc thẩm họ không xét xử công khai để đối chất mà chỉ căn cứ vào các bản tự khai để phát quyết theo tòa sơ thẩm, như thế là không công bằng và minh bạch'', ông Kiền cho biết.
Cơ quan công an cần vào cuộc điều tra
Liên quan đến vụ việc này, chuyên gia pháp lý ngân hàng, luật sư Nguyễn Xuân Sang - Đoàn Luật sư TP Hà Nội đưa ra hai góc độ cả dân sự và hình sự mà cơ quan chức năng cần phải xem xét, làm rõ.
Ở góc độ dân sự, theo luật sư Sang, điểm mấu chốt của vụ việc là tranh chấp việc nhận tiền giải ngân. Ông Kiền khẳng định mình không nhận được tiền giải ngân mặc dù có làm thủ tục vay vốn, trong khi phía ngân hàng khẳng định đã giải ngân tiền mặt cho khách hàng.
''Khi giải quyết vụ án dân sự giữa ông Kiền và ngân hàng, cả tòa cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đều chưa làm rõ được mấu chốt của sự tranh chấp trên'', luật sư Sang nhận định.
Chuyên gia pháp lý ngân hàng, luật sư Nguyễn Xuân Sang - Đoàn Luật sư TP Hà Nội |
Luật sư Sang cũng cho biết, theo quy định của pháp luật về cấp tín dụng, khi quyết định cho vay, ngân hàng phải thẩm định mục đích vay vốn, phương án vay vốn của khách hàng và sau đó phải kiểm tra sau cho vay. Nếu mục đích sử dụng vốn và phương án vay vốn đúng với thực tế thì ngân hàng mới giải ngân tiền cho khách hàng.
Trong trường hợp này, ông Kiền vay vốn với mục đích là mua lợn nái để chăn nuôi thì ngân hàng phải thẩm định mục đích vay vốn của ông có đúng là mua lợn nái không. Cụ thể, ngân hàng phải thẩm định ông Kiền mua lợn của ai, hợp đồng mua bán lợn nái ký kết như thế nào, việc giao nhận khi mua bán lợn nái diễn ra như thế nào, trang trại chăn nuôi lợn ở đâu để từ đó nếu đúng mục đích sử dụng vốn thì giải ngân tiền vay.
"Với 200 triệu vốn vay mà để mua lợn nái thì số lợn rất lớn, có thể lên đến hàng trăm con và sẽ phải nuôi thả ở một trang trại lớn nên không khó để thẩm định và kiểm tra sau cho vay đối với trường hợp của ông Kiền. Tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm, tôi đã đề nghị tòa thu thập các tài liệu chứng cứ thể hiện các nội dung trên nhưng phía ngân hàng đã không cung cấp được'', luật sư Sang cho biết.
Theo vị luật sư, các tài liệu trên cần được thu thập là để đánh giá có hay không hoạt động vay thực sự của ông Kiền, nếu thực tế không có các hoạt động mua lợn nái và trang trại chăn thả thì toàn bộ chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn và phương án vay vốn cũng như kiểm tra sau cho vay là giả tạo và ai là người đã tạo ra các chứng từ này để rút tiền giải ngân từ ngân hàng.
Về chứng từ giao nhận tiền, theo luật sư Sang, trong quy trình giải ngân tiền mặt, ngoài phiếu chi tiền mặt còn có một chứng từ quan trọng phản ánh đúng người giao tiền và người nhận tiền đã giao dịch đó là “Bảng kê các loại tiền”. Bảng kê này thể hiện khi giao tiền cho khách hàng sẽ gồm những mệnh giá tiền nào và số lượng mỗi mệnh giá là bao nhiêu, sau khi kiểm đếm từng loại xong khách hàng sẽ ký vào bảng kê.
"Trong trường hợp nhà ông Kiền, tại phiên tòa phúc thẩm, tôi đã đề nghị ngân hàng cung cấp bảng kê trên, tuy nhiên ngân hàng cho biết đã hủy bảng kê mà không cung cấp được biên bản ghi nhận việc hủy tài liệu, chứng từ'', luật sư Sang cho biết.
Ở góc độ hình sự, theo luật sư Sang, ông Nguyễn Văn Kiền khẳng định không nhận được tiền, trong khi phía ngân hàng cho biết đã chi số tiền 200 triệu đồng. Như vậy là số tiền đã bị một ai đó chiếm giữ, có dấu hiệu của việc tài sản ngân hàng bị thất thoát.
"Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, ai đã nhận số tiền 200 triệu đồng, ai đã tạo ra các chứng từ, tài liệu mà ông Kiền cho rằng trong thực tế không có thật như việc mua bán lợn nái, làm hồ sơ khống để vay tiền ngân hàng'', luật sư Sang nhận định.
Cũng theo vị luật sư, trong vụ việc này còn một số cá nhân khác đã có những hành vi khác lạ cũng cần làm rõ như việc ông Nguyễn Tấn Lạc là cán bộ ngân hàng nhưng lại tự nộp tiền vào tài khoản trả nợ ngân hàng của ông Kiền, vì sao không được nhờ, không ủy quyền nhưng ông Lạc lại làm như vậy. Tương tự, bà Nguyễn Thị Thự cũng không liên quan đến hợp đồng vay vốn của ông Kiền nhưng cũng đã nhiều lần tự động nộp tiền vào tài khoản của ông Kiền để ngân hàng thu nợ.
"Các cá nhân trên không liên quan đến hợp đồng vay vốn của ông Kiền nhưng lại đi trả nợ, đặc biệt là việc ông Lạc là cán bộ ngân hàng nhưng lại trả nợ thay cho khách hàng, đó là điều bất minh. Do đó cơ quan công an cần vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ'', luật sư Sang phân tích.