Phó Thủ tướng: Tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng
Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn tín dụng Hơn 980 nghìn tỷ đồng vốn ngân hàng rót vào bất động sản |
Sáng 6/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã trình bày báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến kỳ họp thứ 4.
Theo Phó Thủ tướng, về các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về công tác quy hoạch, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tín dụng và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, công tác quy hoạch được đẩy mạnh, chất lượng được nâng lên; ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia và nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh, phấn đấu hoàn thành phê duyệt các quy hoạch trong năm 2023.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp được tích cực triển khai, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trình bày báo cáo trước Quốc hội. |
Cùng với đó, đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng bảo đảm tập trung có trọng tâm, trọng điểm, không để dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương được tăng cường; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh.
Kỷ luật tài chính – ngân sách Nhà nước được tăng cường, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời, nhất là đối với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép của Quốc hội.
Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá cơ bản ổn định. Từ đầu năm 2023 đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2%; tập trung vốn tín dụng cho các động lực tăng trưởng, lĩnh vực ưu tiên...
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng thừa nhận trong các lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế, bất cập.
Cụ thể, tiến độ hoàn thành các quy hoạch ngành, vùng, tỉnh còn chậm; giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vay trong gói 40 nghìn tỷ đồng của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Việc sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước còn chậm.
Bên cạnh đó, tiếp cận tín dụng còn hạn chế, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gặp nhiều khó khăn do phải đánh giá đúng giá trị tài sản đã qua nhiều thời kỳ…