Thủ tướng: Thí điểm thuê giám đốc nước ngoài cho doanh nghiệp Nhà nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu doanh nghiệp Nhà nước chú trọng đổi mới công tác cán bộ, nguồn nhân lực là then chốt của then chốt, tuyển dụng, thuê nguồn nhân lực chất lượng cao, xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên...
Các doanh nghiệp đang "gánh" cùng lúc nhiều thuế, chi phí Khi rủi ro của doanh nghiệp lại do chính mình...

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 319/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Lãnh đạo Chính phủ đã khái quát một số điểm nổi bật của doanh nghiệp Nhà nước trong 6 tháng đầu năm nay.

Theo đó, doanh nghiệp Nhà nước đã bám sát, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo kế hoạch được phê duyệt, trong đó tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, đạt kết quả khả quan về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, đồng thời bảo đảm đời sống, thu nhập cho người lao động.

Đồng thời, doanh nghiệp Nhà nước tập trung thực hiện các dự án đầu tư phát triển và đạt nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả theo kế hoạch được phê duyệt. Đến hết tháng 5, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty lớn đạt trên 76.000 tỷ (bằng 38% kế hoạch năm và 120% so với cùng kỳ năm 2023).

Cùng đó, doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục giữ vững vị trí, phát huy vai trò nòng cốt, chủ lực, chủ đạo trong nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế quan trọng, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn thông qua cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như điện, than, xăng dầu, hóa chất cơ bản, vận tải đường hàng không, đường biển, đường sắt, viễn thông, công nghệ thông tin…

Khu vực doanh nghiệp Nhà nước từng bước chuyển mình trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thí điểm và áp dụng các mô hình quản trị hiện đại, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao uy tín, thương hiệu trong nước và thế giới.

Thủ tướng: Thí điểm thuê giám đốc nước ngoài cho doanh nghiệp Nhà nước
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước tham gia đóng góp, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, diễn ra chiều 15/6.

Một số doanh nghiệp Nhà nước lớn vươn lên đi đầu trong các lĩnh vực công nghệ mới, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội đã báo cáo làm chủ một số công nghệ 5G và các thiết bị trong hệ sinh thái 5G.

Bên cạnh các kết quả đạt, hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều hạn chế, tồn tại như: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước nói chung chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào luôn biến động, có doanh nghiệp thua lỗ, một số tập đoàn, tổng công ty không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Khu vực doanh nghiệp Nhà nước nhìn chung còn tồn tại những chậm trễ, vướng mắc về thể chế, dẫn tới mất cơ hội, giảm hiệu quả hoạt động, chưa thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, tạo động lực mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác; năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ còn nhiều bất cập, còn lạc hậu so với xu thế phát triển; công tác điều hành quản trị kinh doanh chưa được đổi mới nhiều, chưa thực sự hướng theo các nguyên tắc, thông lệ quốc tế, phù hợp kinh tế thị trường hiện đại...

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước cần phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tinh thần sáng tạo, yêu nước, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để thực hiện sứ mệnh cao cả này; tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chip bán dẫn, hydorgen, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) bênh cạnh việc tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng).

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu doanh nghiệp Nhà nước triển khai hiệu quả các đề án cơ cấu lại, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm đã được phê duyệt; xử lý dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án dở dang, chậm tiến độ nhiều năm, thực hiện công tác quyết toán các dự án hoàn thành đúng thời hạn quy định.

Chiến lược đúng sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức. Vì vậy, với kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng lộ trình chi tiết, cụ thể ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phấn đấu đạt toàn bộ các chỉ tiêu chủ chốt gồm doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, thu nhập bình quân của người lao động.

Thủ tướng cũng yêu cầu doanh nghiệp Nhà nước chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước một cách căn cơ, bài bản, toàn diện, bền vững thông qua đổi mới, tối ưu hoá các phương thức sản xuất, hợp tác, công nghệ, quản trị, nhân sự….

Đặc biệt, doanh nghiệp Nhà nước cần chú trọng đổi mới công tác cán bộ, nguồn nhân lực là then chốt của then chốt, tuyển dụng, thuê nguồn nhân lực chất lượng cao, xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên; xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương phù hợp.

Các doanh nghiệp Nhà nước, nhất là những doanh nghiệp quy mô lớn cần nỗ lực hơn nữa, tăng cường tích luỹ, tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư, trở thành đầu tàu lớn ngang tầm khu vực và thế giới, vươn lên khẳng định uy tín, thương hiệu doanh nghiệp quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế.

Hậu Lộc
Phiên bản di động