Còn dư địa dùng đòn bẩy chính sách tài khoá trợ lực doanh nghiệp

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, chúng ta còn dư địa tiếp tục dùng đòn bẩy chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển tốt hơn. Khi doanh nghiệp phục hồi thì sẽ có công ăn việc làm cho người dân.
Bộ Tài chính theo dõi sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp Các doanh nghiệp bất động sản vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ngoài những kết quả đã đạt được, chúng ta vẫn còn một số khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ.

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng tới 20%, cần có những chính sách đồng bộ hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, doanh nghiệp cần nhất chính là thể chế, một môi trường thuận lợi, tạo ra sự cạnh tranh công bằng.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần thêm hỗ trợ về thuế, phí như miễn, giảm, giãn, hoãn một số khoản thuế, phí và tiền thuê đất.

“Chúng ta còn dư địa tiếp tục dùng đòn bẩy chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển tốt hơn. Khi doanh nghiệp phục hồi thì sẽ có công ăn việc làm cho người dân”, ông Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.

Còn dư địa dùng đòn bẩy chính sách tài khoá trợ lực doanh nghiệp
Ông Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Theo ông Ngân, bối cảnh kinh tế thế giới thời gian qua không thuận lợi, thậm chí bất lợi đối với nền kinh tế có độ mở như Việt Nam. Vì vậy, chúng ta phải tương thích với bất ổn, khó lường, khó dự báo trên toàn cầu.

Hiện Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát nhưng có một số dấu hiệu cảnh báo cần được lưu tâm, đó là tỷ giá tăng, lạm phát cao hơn so với bình quân các năm trước, cần phải tăng cường kiểm soát và có phương án, kịch bản ứng phó phù hợp.

Hôm qua, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đang tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền ban hành một số chính sách tài khóa trong thời gian tới, nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Trong nhóm các chính sách sẽ được ban hành thời gian tới, phải kể đến chính sách giảm thuế giá trị gia tăng.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời gian thực hiện giảm mức thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024. Chính phủ đã trình Quốc hội tiếp tục kéo dài thời gian giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Còn dư địa dùng đòn bẩy chính sách tài khoá trợ lực doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Theo đó, dự kiến làm giảm ngân sách Nhà nước thêm khoảng 24 nghìn tỷ đồng, tổng số giảm thu do thực hiện chính sách cả năm khoảng 47,5 nghìn tỷ đồng (bao gồm khoảng 23,5 nghìn tỷ đồng dự kiến giảm trong 6 tháng đầu năm).

Để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2024 theo Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính dự kiến ban hành thông tư tiếp tục giảm mức thu đối với khoảng 36 khoản phí, lệ phí, áp dụng từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024, dự kiến tác động giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 700 tỷ đồng.

Về chính sách giảm thuế xuất, nhập khẩu, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài ngạch thuế quan. Dự kiến việc điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu này tác động giảm thu ngân sách Nhà nước gần 590 tỷ đồng/năm.

Có thể thấy, giai đoạn 2020-2023, các giải pháp chính sách tài chính để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh được ban hành với tổng trị giá của các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Quy mô dự kiến đối với những giải pháp ban hành và thực hiện từ đầu năm 2024 khoảng 68 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, mặc dù giảm thu ngân sách Nhà nước liên quan đến việc miễn, giảm, hỗ trợ các loại thuế, phí, lệ phí nhưng không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách Nhà nước năm nay.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, số thu ngân sách đạt 52,8% dự toán, tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2023, trong khi tổng chi ngân sách đạt 31% dự toán, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2023. Vì thế, trong nửa cuối năm nay, giả sử ngân sách có giảm thu do giảm thuế giá trị gia tăng và các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được ban hành, tăng chi để đẩy nhanh đầu tư công, thì cân đối thu - chi ngân sách vẫn bảo đảm, nợ công, nợ chính phủ vẫn rất an toàn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cũng nhấn mạnh: "Mặc dù chúng ta thực hiện tốt các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí thì chúng ta vẫn phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu, từ đó kiểm soát lạm phát, ngăn chặn việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu một cách vô lý".

Hậu Lộc
Phiên bản di động