Phó Chủ tịch Quốc hội: Giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp
Ngày 9/5, tại phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Lết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất đánh giá bổ sung năm 2022 của Chính phủ, đây là năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trên cả bình diện quốc tế và trong nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, nhờ đó mà hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế đề ra. Kinh tế nước ta phục hồi nhanh, đạt được những kết quả toàn diện, tăng trưởng 8,02%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức cần khắc phục như 2 chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng, phản ánh chất lượng tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu; tăng trưởng GDP giảm tốc độ đáng kể trong quý IV, xuất khẩu sụt giảm, sản xuất công nghiệp thấp, thu ngân sách vượt dự toán nhưng còn yếu tố chưa bền vững, giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận nội dung thảo luận. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức, tăng trưởng quý I/2023 rất thấp (ước đạt 3,32%).
Đặc biệt, tăng trưởng ở một số địa phương đạt âm so với cùng kỳ, tăng trưởng tín dụng đạt thấp, lãi suất ngân hàng còn cao, nợ xấu có xu hướng gia tăng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng bất động sản, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Một số động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, sản xuất công nghiệp đều ghi nhận ở mức giảm. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng. Tình hình người lao động bị giảm việc, mất việc có xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế trong năm 2022, nhưng đến đầu năm 2023 vẫn chưa giải quyết triệt để. Tình trạng tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng diễn biến phức tạp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả khó khăn tác động từ bên ngoài như tác động dịch COVID-19, suy thoái kinh tế, chính sách tài chính, tiền tệ bất ổn. Bên cạnh đó, có những yếu kém nội tại của nền kinh tế. Công tác dự báo chưa sát, việc đưa ra phản ứng chính sách của một số bộ, ngành chức năng chưa kịp thời, hiệu quả chính sách còn độ trễ, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức ở một số bộ, ngành, địa phương chưa cao.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá cụ thể nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, đâu là nguyên nhân chủ quan, đâu là nguyên nhân khách quan. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.
Dự báo từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức. Do đó, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng theo nghị quyết của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý Chính phủ bám sát kết luận của Bộ Chính trị về kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu và an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng. Điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ, phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Chính phủ cũng cần nghiên cứu phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế giá trị gia tăng cho tất cả hàng hóa. Làm rõ và khắc phục nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công. Trên cơ sở đó có giải pháp phù hợp, đẩy nhanh tốc độ giải ngân, nhất là đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Xác định đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, các dự án có tính chất liên kết vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án cấp thiết của địa phương.
Đồng thời, Chính phủ cũng cần chủ động tiếp tục hạ lãi suất, tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Tăng cường kiểm tra, xử lý, giải quyết cơ bản tình trạng sở hữu chéo, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng sử dụng vốn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án sân sau. Có chính sách để đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là điện và xăng, dầu. Có giải pháp duy trì chuỗi cung ứng, tránh gián đoạn sản xuất, xuất khẩu, chủ động phương án ứng phó phòng, chống dịch COVID-19, các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, rà soát tổng thể các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư để phát hiện kịp thời vướng mắc, bất cập, chồng chéo liên quan hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tăng cường vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Đồng thời, Chính phủ cũng cần có giải pháp khắc phục tình trạng việc xây dựng dự toán thu ngân sách địa phương trong những năm tới sát với tình hình thực tế. Tăng cường đôn đốc, nộp kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước mà cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kết luận, kiến nghị tăng cường quản lý các nguồn thu từ đất đai, nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp. Khẩn trương phân bổ giao vốn theo đúng kế hoạch, hạn chế tối đa chuyển nguồn qua các năm.