Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông xứng với vị thế, tiềm năng của Thủ đô

Ưu tiên phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tăng cường kết nối, giảm ùn tắc giao thông... Đó là nhiệm vụ đặt ra với ngành giao thông Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025, đồng thời cũng là giải pháp quan trọng để tạo nguồn lực phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới.
Phát huy truyền thống, đổi mới mạnh mẽ trong công tác Đoàn Thủ đô Sáng tạo, linh hoạt đổi mới nội dung, phương thức hoạt động là chìa khóa thành công của hoạt động Đoàn Những con đường Hà thành “nhất định phải đến” khi Tết về

Tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông đô thị

Giai đoạn 2015 - 2020 vừa qua, với những giải pháp đột phá và quyết liệt về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, “bức tranh” giao thông Thủ đô đã có thêm “gam màu” tươi mới, góp phần quan trọng trong việc đi trước mở đường, tăng tính kết nối và lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn tiếp tục được xác định là một trong 3 khâu đột phá song đã được nâng tầm hơn, xứng đáng với tầm vóc và vị thế Thủ đô.

Chia sẻ về những điểm nhấn nổi bật của ngành Giao thông vận tải, đồng chí Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều công trình giao thông quan trọng của Thủ đô đã được hoàn thành và đưa vào khai thác như đường vành đai 3 (đoạn trên cao và dưới thấp từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long), cầu dưới thấp qua hồ Linh Ðàm, cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt…

Bên cạnh đó, nhiều dự án quan trọng khác cũng đang được tích cực hoàn thiện như đường vành đai 2 (đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng), đường nối từ vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Tản Lĩnh - Ba Vì... sẽ cải thiện hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị, tạo thêm lực phát triển cho Thủ đô.

Cùng với hàng loạt công trình giao thông trọng điểm đã được hoàn thành, đưa vào khai thác, nhiều bãi đỗ xe có quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao cũng được hoàn thành, đưa vào sử dụng như bãi đỗ xe cao tầng (Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Công Hoan), bãi đỗ xe ngầm Mễ Trì…

Hà Nội cũng đã khởi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công công trình thuộc danh mục các công trình trọng điểm, quan trọng, hạ tầng giao thông khung trên địa bàn thành phố như: Tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - ga Hà Nội), đường vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở)…

Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3 dưới thấp qua hồ Linh Đàm
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3 dưới thấp qua hồ Linh Đàm

Ngành Giao thông vận tải cũng đang hoàn thiện thủ tục, chuẩn bị đủ các điều kiện để chuẩn bị khởi công cuối năm 2020 và những năm tiếp theo các đoạn tuyến còn lại của đường vành đai 1, vành đai 2,5 và vành đai 3,5; Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Cầu qua sông Cầu (kết nối với Bắc Ninh)…

Kết quả đạt được như trên được thể hiện rõ nét thông qua chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông, xây dựng đô thị đến hết năm 2020 đạt khoảng 10,05% (hết năm 2015 chỉ tiêu này chỉ đạt 8,65%); Tăng trưởng trung bình hằng năm đạt tỷ lệ 0,3%.

Song song với đó, việc phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thủ đô cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được quan tâm đầu tư, mạng lưới được mở rộng, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Giai đoạn 2015 - 2020, thành phố đã mở mới 28 tuyến buýt, sản lượng vận chuyển và tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại bằng xe buýt hằng năm tăng bình quân 49,25 triệu lượt.

Hình thành mạng lưới giao thông kết nối các đô thị vệ tinh

Sự đầu tư phát triển hệ thống giao thông và mạng lưới vận tải hành khách công cộng đã góp phần kéo các vùng xa về gần thành phố, tạo điều kiện phát huy các tiềm lực về đất đai, con người, văn hóa và điều kiện tự nhiên sẵn có, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, những thành quả đạt được mới chỉ là bước đầu, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng của Thủ đô. Ùn tắc giao thông vẫn là thách thức lớn, khả năng kết nối giao thông liên vùng còn nhiều khó khăn.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Hà, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu thành phố tập trung giải quyết một số yêu cầu về đầu tư để hình thành mạng lưới hạ tầng giao thông; Kết nối khu vực đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh và kết nối Hà Nội với các địa phương thuộc vùng Thủ đô.

Những công trình cần quan tâm đầu tư bao gồm: Các tuyến đường hướng tâm, trục chính đô thị; Đường vành đai; Hệ thống cầu vượt sông (cầu Tứ Liên, cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở trên đường vành đai 4; Cầu Ngọc Hồi trên tuyến vành đai 3,5 và cầu Đuống 2 trên quốc lộ 1A cũ)…

Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ tập trung hoàn thành đầu tư mạng lưới giao thông của 5 huyện theo đề án lên quận; Hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông) và tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội); Phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công thêm các tuyến đường sắt đô thị khác...

Thanh Hà
Phiên bản di động