Ngày 5/5, Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ khai mạc kỳ họp thứ 9
Quốc hội phải thực sự tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả Chủ tịch Quốc hội: Kỳ họp thứ 9 sẽ mang tính lịch sử đối với đất nước |
Chiều 31/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo dự kiến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra từ ngày 5/5 đến ngày 30/6, thông qua 11 dự án luật và cho ý kiến lần đầu đối với 16 dự án luật khác.
Đây là kỳ họp có rất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của đất nước.
Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV cũng sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và sửa đổi các luật liên quan đến sửa đổi Hiến pháp nhằm phục vụ việc tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW.
Nhấn mạnh kỳ họp thứ 9 có khối lượng công việc rất lớn, có ý nghĩa quan trọng, mang tính lịch sử, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tích cực chuẩn bị các nội dung kỳ họp, nhất là các dự án luật được trình Quốc hội thông qua, các nghị quyết có liên quan.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, khẩn trương triển khai công việc trên tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng" nhằm bảo đảm chất lượng và thành công của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
![]() |
Quang cảnh phiên họp. |
Tại phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các nội dung theo thẩm quyền về lập hiến; 44 nội dung thuộc công tác lập pháp; 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu.
Về thời gian diễn ra kỳ họp, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 35,5 ngày. Cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc khai mạc kỳ họp sớm hơn thông lệ, vào ngày 5/5.
Đồng thời, để bảo đảm sự đồng thuận cao, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tổ chức kỳ họp sớm hơn quy định trước khi tiến hành triệu tập Kỳ họp (sau khi có kết luận của cấp có thẩm quyền về việc tổ chức kỳ họp).
Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt. Theo đó, đợt 1 là 20 ngày (từ thứ Hai ngày 5/5 đến hết thứ Tư ngày 28/5); đợt 2 là 15,5 ngày (từ thứ Tư ngày 11/6); thời gian Quốc hội nghỉ giữa 2 đợt là 13 ngày.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục rút ngắn tối đa thời gian trình bày tờ trình, báo cáo như đã thực hiện tại kỳ họp thứ 8 để dành thời gian cho Quốc hội thảo luận, các cơ quan phát biểu, giải trình; không bố trí trình bày các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024, chỉ bố trí thảo luận lồng ghép với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước đối với 2 nội dung trên.
![]() |
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng. |
Về việc phát thanh, truyền hình trực tiếp, ngoài các phiên họp theo quy định tại khoản 4 Điều 9 của Nội quy kỳ họp Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đối với phiên thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng nhấn mạnh, công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp đã và đang được các cơ quan hữu quan tiến hành khẩn trương nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời phục vụ kỳ họp.
Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực các Ủy ban phụ trách nội dung phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan, tổ chức có liên quan, Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ Bảy (từ ngày 25-26/3), tổ chức khảo sát, hội thảo, tọa đàm tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động để hoàn thiện các dự án, dự thảo... bảo đảm chất lượng các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Đến nay, hầu hết các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 và 5 dự án luật khác trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Bên cạnh đó, 10 dự án luật đã được xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7 vừa qua. Dự kiến, sau phiên họp tháng 4 tới, cơ bản các nội dung trình Quốc hội đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Đối với các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương tham mưu hoàn thiện hồ sơ tài liệu gửi đến cơ quan của Quốc hội để thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo đúng tiến độ.