Những con đường Hà thành “nhất định phải đến” khi Tết về
Đường Đinh Tiên Hoàng
Con đường mang tên vị vua tài ba Đinh Bộ Lĩnh có từ xây từ thời Pháp thuộc. Qua nhiều lần đổi tên, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, đường Đinh Tiên Hoàng hiện là một trong những con phố sầm uất nhất Hà Nội
Phố Đinh Tiên Hoàng kéo dài từ ngã tư Hàng Bài - Hàng Khay - Tràng Tiền đến quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Phố chỉ có một bên là nhà, bên còn lại là hồ Hoàn Kiếm. Trên tuyến phố có tháp Hòa Phong, Bưu điện Hà Nội, vườn hoa, tượng đài Lý Thái Tổ, Trụ sở UBND thành phố, cổng đền Ngọc Sơn; đền Bà Kiệu.
Dịp cuối tuần, đường Đinh Tiên Hoàng trở thành phố đi bộ, đông vui tấp nập hơn ngày thường. Là tuyến đường trung tâm của Thủ đô, vào những ngày lễ, Tết, đặc biệt là đêm 30 Tết cổ truyền, người dân tập trung đông đảo xem bắn pháo hoa, cùng nhau đón Giao thừa, chào xuân mới... Không khí sôi động, náo nhiệt của hoạt động này khiến cho bất cứ ai cũng háo hức tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ.
Đường Phan Đình Phùng
Con đường kéo dài từ phố Mai Xuân Thưởng đến phố Hàng Cót với những cây sấu cổ thụ. Đặc biệt, một đoạn phố có hai hàng cây trên cùng một vỉa hè.
Là con đường đẹp bậc nhất ở Hà Nội, phố Phan Đình Phùng thu hút rất đông khách du lịch tham quan, nhất là mỗi độ Tết đến, xuân về. Tới đây, họ không chỉ được chiêm ngưỡng những công trình lịch sử như Bắc Môn, các biệt thự Pháp cổ mà còn được chìm đắm trong một không gian xanh mát của những hàng sấu cổ thụ.
Mùa xuân về, nơi đây có rất nhiều du khách lui tới khám phá một Hà Nội khác xa vẻ ồn ào thường nhật.
Phố cổ Hà Nội
Phố cổ còn có tên gọi khác là “Hà Nội 36 phố phường”. Mỗi con phố được đặt theo tên một mặt hàng được bày bán trên phố.
Ở đây có những ngôi nhà cổ kính, những con đường in đậm ký ức lịch sử một thời của Thủ đô. Một thú vui đơn giản của người dân Hà Nội là chạy xe máy dạo phố phường thênh thang ngày mùng Một Tết, không ồn ào, khói bụi... để có cảm nhận rất khác, sâu lắng, ngọt ngào và thi vị.
Đường Thanh Niên
Đã rất lâu rồi, đường Thanh Niên được mệnh danh “con đường tình yêu”, nhất là với những người từng sống ở thành phố này nhiều năm. Con đường nằm giữa hai hồ lớn, thơ mộng là Hồ Tây và hồ Trúc Bạch. Sáng sớm mùa đông, mặt Hồ Tây khói sương lảng bảng, còn buổi chiều tà hoàng hôn xuống, ánh mặt trời lấp lánh sóng nước mặt hồ.
Đường Thanh Niên còn có những địa điểm tham quan nổi tiếng của Thủ đô như: Chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh…
Con đường gốm sứ
Con đường gốm sứ ven sông Hồng là một trong những biểu tượng du lịch nổi tiếng của Thủ đô, tới nay đã 10 tuổi. Công trình nghệ thuật với ý nghĩa đặc biệt, không chỉ là tâm huyết của rất nhiều người mà còn thể hiện tình yêu bỏng cháy với Thủ đô, văn hóa, lịch sử của mảnh đất kinh kỳ, nghìn năm văn hiến.
Nhìn từ xa, những tác phẩm nghệ thuật bằng gốm có hình vẽ vô cùng đặc biệt, màu sắc rực rỡ, bắt mắt tạo nên vẻ đẹp ấn tượng, khiến nhiều du khách thích thú khi ghé thăm Hà Nội. Nhiều bạn trẻ cùng rủ nhau đi check- in con đường gốm sứ như một cách để lan tỏa thông điệp giữ gìn, nâng niu công trình nghệ thuật này đến với cộng đồng.
Đường Trịnh Công Sơn
Con đường bên Hồ Tây, mang vẻ đẹp dáng dấp của sự bình yên xưa cũ của Thủ đô. Nơi đây lại đặc biệt hấp dẫn bởi không gian vắng vẻ, lãng mạn. Con đường này rất đỗi thân quen với người Hà Nội, đặc biệt là những bạn trẻ yêu nhau, tìm đến ngắm hồ Tây với những tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng.
Ở đây có rất nhiều view đẹp cho các bạn check-in. Đường Trịnh Công Sơn đã trở thành không gian đi bộ mới của Hà Nội với sân khấu nhạc Trịnh, cùng nhiều hạng mục văn hoa, giải trí bên cạnh khu đầm sen hồ Tây nổi tiếng.